tử vi, xem tướng, hướng nhà, phong thủy, chọn ngày, tứ phủ, tam phủ, sách cúng
Tâm linhTín ngưỡngNguồn gốc Tam - Tứ Phủ
NGUỒN GỐC TAM - TỨ PHỦ
  1. Nguồn gốc của Tam phủ
  2. Nguồn gốc của Tam, Tứ phủ
  3. Phối thờ phụng trong Tam, Tứ phủ
  4. Phối thờ phụng Ngoài Tứ phủ
  5. Quy ước và khái niệm được dùng trong Tam, Tứ Phủ
1. Nguồn gốc của Tam phủ
Trong lịch sử phát triển và bảo vệ đất nước cùng với văn hóa dân tộc bản địa, việc tôn thờ những người có công với đất nước, với nhân dân là một nét văn hóa tốt của Nhân Dân Việt Nam. Thời kỳ sơ khởi, vấn đề tôn thời đơn giản chỉ là miếu thờ, chưa có khái niệm về "Phủ", mỗi miếu có gắn liền với tên của thần hay tên địa danh nhằm tôn vinh người có công với Nhân Dân bản địa. Hay nói cách khác, tín ngưỡng thờ của Nhân dân là một nét văn hóa "đền ơn đáp nghĩa", dựa trên nhân vật có gắn kết lịch sử có thật và được nhân thần hóa.
Khi Đạo giáo phù thủy (vào khoản thế kỷ thứ 3-2 TCN) có ảnh hưởng tới các dân tộc ngoài lãnh thổ Văn Lang, theo đó mà di cư khai khẩn xuống miền Trung Châu mang theo các tín ngưỡng thờ thần của Đạo giáo thần tiên và các thuật phù thủy của nhánh Đạo giáo phù thủy. Theo thời gian, đã hình thành thêm các tín ngưỡng thờ Thần, Thánh không phải là nhân vật lịch sử, có thể nói đây là các nhân vật Thần Thoại (như Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu,...).
Khi tín ngưỡng được giao thoa, người dân bản địa đã chắt lọc những tinh hoa tín ngưỡng để ghép với tín ngưỡng thờ Nhân Thần của địa phương mà hình thành lên tín ngưỡng mới - Tín ngưỡng thờ Thần Linh, mà các thần linh được sắp xếp theo thứ tự ngôi vị, các nữ nhân thần có liên quan được bố trí thờ trong hậu cung (gọi là Tiền Nam thần Hậu gia quyến), các nữ nhân thần không có liên quan đến thì được thờ miếu riêng.

Khi bị chiến tranh phương Bắc, Thục Phán An Dương Vương bị thất thế, đất nước vào tay Triệu Đà (khoảng năm 111 TCN đến 39), đây là sự khởi đầu của sự giao thoa tín ngưỡng mạnh nhất, đặc biệt là các tín ngưỡng thờ thần của Đạo giáo, cùng với các lễ tiết của Nho Giáo đã hình thành lên tín ngưỡng thần linh có hệ thống rõ ràng, bao gồm các nhân vật thần thoại đứng đầu và các nhân Thần bản địa:
  • Thiên Phủ - Ngọc Hoàng thượng đế: Đứng đầu hệ thống tín ngưỡng thần linh (hình thành Thiên Phủ). Trong đó, Nam Tào, Bắc Đẩu - Là Thần tiên dưới quyền của Ngọc Hoàng cai quản sinh tử của Dân sinh.
  • Địa phủ - Bắc Âm Phong Đô Nguyên Thiên Đại Đế (Diêm Vương): Đứng đầu âm phủ vẫn dưới quyền Ngọc Hoàng cai quản. Trong đó đã có Ngũ Nhạc Phủ Tiên Thánh Đế Quân, không có khái niệm phân chia Nhạc Phủ tách rời khỏi Địa Phủ.
  • Thủy Phủ - Phù Tang Cam Lâm Đại Đế (Bát Hải Long Vương): Đứng đầu các thần cai quản dưới nước vẫn dưới quyền Ngọc Hoàng cai quản
Đó là những thần linh có tính chất thần thoại, nhưng có ảnh hưởng rất lớn đến tín ngưỡng của nhân dân, dần hình thành lên các nghi lễ tế cúng thần linh để được giải bệnh, cầu công danh tài lộc,... có hệ thống. Từ đó mà hình thanh lên tín ngưỡng thờ thần tiên riêng của Việt Nam, được thể hiện rõ trong các văn cúng cổ: Công Đồng Thánh, Nam tào - Bắc Đẩu, Tam Phủ Thục Mệnh, Tam Phủ đối khám,... đây là những văn cúng và lễ nghi không liên quan đến tín ngưỡng thờ Mẫu.
Cùng với hệ thống Nam Thần có công với nhân dân, từ đó hình thanh lên tên gọi là Tam phủ công đồng tiên thánh hay gọi tắt là Tam phủ.
2. Nguồn gốc của Tam, Tứ phủ
Khi hệ thống tín ngưỡng Thần tiên được hình thành, cùng với tín ngưỡng thờ nữ nhân thần đã tồn tại từ lâu đời nhưng chưa có hệ thống đầy đủ. Đến thời Lê Thái Tổ đã hình thành lên hệ thống tín ngưỡng thờ Mẫu có hệ thống hơn, có phân ngôi vị rõ ràng:
  • Thánh Mẫu - là Thần đứng đầu
  • Chầu Bà - là người hầu cận thánh Mẫu, thay mặt thánh Mẫu cai quản, quán xuyên các công việc mang tính vĩ mô
  • Thánh Cô - là Người được giao nhiệm vụ cai quản các hạt (vùng, lũng, bộ, khu,...) cụ thể, có nhiệm vụ cụ thể
  • Cô Bé, Cậu Bé - Là người hầu cận Thánh Mẫu: dâng trà, hoa quả,...
Trong tín ngưỡng thờ Mẫu Thuần túy, chưa có khái niệm Nam Thần (lớn tuổi), quan niệm này có ảnh hưởng bởi lễ nghi của Đạo Giáo và Nho Giáo về phân biệt Nam Nữ rõ ràng. Đây là hệ thống tín ngưỡng hình thành do sự thể hiện Nữ giới muốn được công bằng trong đời sống tâm linh như Nam giới. Từ đó mà hình thành phát triển độc lập với tín ngưỡng nam thần tiên.
Trong tín thờ mẫu, dựa trên mỗi vùng miền mà có các tên gọi khác nhau, và đây là căn cứ để sau này hình thành nên các Phủ của tín ngưỡng thờ Mẫu:
  • Trên trời thì gọi là Thượng Thiên - đây là vùng miền có tính chất tượng trưng,
  • Trên miền sơn cước - thuộc miền rừng núi sống phụ thuộc vào săn bắn, hái cây rừng thì gọi là Thượng Ngàn (Hán Việt gọi là Thượng Ngạn - 上岸),
  • Miền đồng bằng sống phụ thuộc vào trồng trọt, chăn nuôi gọi là Hoàng Địa,
  • Miền sông nước sống phụ thuộc vào nghề đánh bắt cá gọi là Duyên Hải.
Hệ thống thờ phụng có Mẫu, Chầu, cô, cô bé và cậu bé được gọi là một Phủ, như vậy mà hình thành lên Tứ Phủ ứng với 4 vùng miền tự nhiên: Thiên Phủ (Thượng Thiên), Địa Phủ (Hoàng Địa), Nhạc Phủ (Thượng Ngàn), Thoải Phủ (Duyên Hải). Từ đó mà hình thành lên hệ thống tín ngưỡng Tứ Phủ Thánh Mẫu

Không nên nhầm tưởng Tứ Phủ Thánh Mẫu với Tam Tòa Thánh Mẫu của Sơn Trang nhất Phái. Trong Sơn Trang nhất phái lại có lỗi thờ riêng biệt rõ ràng không liên quan đến Tứ Phủ Thánh Mẫu. Tuy nhiên, nhân thần thờ phụng thì có sự giao thoa là Mẫu Thượng Ngàn, bởi Thanh Sơn Nhất Phái thì chỉ thờ những nhân Thần miền sơn cước:Tới thế kỷ XVII-XVIII, Khi tín ngưỡng thờ Tứ phủ Thánh Mẫu đã phát triển đạt vào thời kỳ Nam Nữ không còn quá phân biệt thì hệ thống tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ Phủ không còn chỉ riêng thờ Nữ Thần, mà đã hình thành lên một hệ thống thờ có mặt cả Nam Thần, cùng với sự phát triển Phật giáo mà hình thành lên tên gọi tín ngưỡng Tam Tứ Phủ - ý muốn ghép cả tên gọi Tam phủ tiên thánh của Nam Thần và Tứ Phủ Thánh Mẫu của nữ Thần. Theo thời gian, nhiều khi họ đã quên đi chữ "Tam" trong Tam Phủ của tín ngưỡng nam Thần tiên, họ đã làm lu mờ đi tín ngưỡng này, mà chỉ suy tôn phần thờ Thánh Mẫu. Trong khi đó, các lễ nghi của Tam phủ tiên thánh vẫn lưu truyền và thực hiện, sự mập mờ này đã vô tình làm mất đi tính đa dạng của tín ngưỡng dân gian Việt nam có từ lâu đời. Vì vậy, Linh Thông muốn làm sáng tỏ các khái niệm và lịch sử của từng ngôi vị và lịch sử Tam, Tứ Phủ để chúng ta hiểu rõ hơn mà tôn trọng tín ngưỡng dân gian đã lưu truyền lâu đời.

Cũng tinh thần thờ thánh Mẫu, khi giao thoa Đạo Phật, Quán Thế Âm (hay còn gọi là phật bà Thiên thủ thiên nhãn) đã được phối thờ trong tín Ngưỡng Tam Tứ Phủ. Bởi Bà cũng là nữ nhân tu hành thành Bồ tát, cứu dân độ thế có công với nhân dân, lại phù hợp với tinh thần tín ngưỡng thờ Nữ Nhân Thần của tín ngưỡng thờ Mẫu. Đây chính là nhân Thần giao thoa giữa tín ngưỡng và Tôn giáo Phật giáo đã được suy tôn là Bồ tát.
3. Phối thờ phụng trong Tam, Tứ phủ
Trong hệ thống thờ Tam Tứ Phủ ngoài các Nữ Nhân Thần thì còn có các Nam Nhân thần có nhiệm vụ rõ ràng trong hệ thống tín ngưỡng, Linh Thông sẽ cố gắng làm rõ thần tích ứng với giai đoạn lịch sử của từng ngôi vị trong Tam Tứ Phủ ở trong các bài viết sau. Hệ thống tín ngưỡng trong Tam Tứ Phủ gồm:

  1. Thiên thủ thiên nhãn Quán âm Bồ tát - Đại diện cho Phật giáo
  2. Ngọc Hoàng thượng đế - Đại diện cho Tam giới tiên thánh (Tam Phủ), cai quản tất cả các cõi: Thiên, Địa, Thủy, Nhạc. Giúp việc Ngọc Hoàng cai quản nhân sinh gồm có:

    • Trên thiên đình có Nam Tào và Bắc Đẩu quản lý việc Sinh, Tử, bản mệnh của nhân sinh, điều khiển thời tiết,...
    • Dưới Địa phủ có Bắc Âm Phong Đô Nguyên Thiên Đại Đế (Diêm Vương) cai quản, gồm có:

      • Phần Âm thế có thập điện vương cai quản
      • Phần dương thế có Ngũ Nhạc Phủ Tiên Thánh Đế Quân
    • Dưới Thủy Phủ có Phù Tang Cam Lâm Đại Đế cai quản dưới nước
  3. Tứ phủ Thánh Mẫu: Tứ vị Thánh Mẫu đứng đầu trong mỗi Phủ - Đại diện cho Tứ Phủ vạn linh:

    • Thiên Tiên Thánh Mẫu Cửu Trùng Thiên Vương Thanh Vân Công Chúa
    • Địa Tiên Thánh Mẫu Liễu Hạnh Công Chúa Sắc Phong Chế Thắng Bảo Hoà Diệu Đại Vương.
    • Thượng Ngạn Thánh Mẫu Lê Mại Đại Vương Trưởng Sơn Lâm Công Chúa.

      (Xem thêm bài viết)
    • Thuỷ Tiên Thánh Mẫu Xích Lân Long Nữ Ngọc Bạch Hồ Trung Thuỷ Tinh Công Chúa
  4. Trong lối thờ hiện tại, ta chỉ thấy trong cung có 3 ngôi vị được thờ, với các lý do được lý giải như sau:

    • Ngôi vị Địa Phủ, Nhạc Phủ, Thoải Phủ là các Nữ Nhân thần lịch sử của người Việt được suy tôn là Thánh Mẫu đại diện cho các Phủ có thật.
    • Ngôi vị Thiên Phủ là ngôi vị có tính tượng trưng - Thần Thoại
    • Người ta kiêng số 4, muốn lấy số 3 phù hợp với quan niệm trong tín ngưỡng: Tam Thanh, Tam Bảo, Tam Sinh, Tam Phủ Tiên Thánh... và đặc biệt là quan niệm thờ số lẻ.
    • Tín Ngưỡng thờ Mẫu được hình thành do Nhân dân nhớ ơn công đức của nhân vật lịch sử có công với đất nước, có công với nhân dân Việt Nam
    Do đó, trong cung thường được phụng thờ 3 ngôi Thánh Mẫu, còn mẫu Thượng Thiên được rước thờ riêng ở ban ngoài trời gọi là ban Mẫu Bán Thiên (Mẫu Thượng Thiên).
    Hiện nay, Khi mẫu Thượng Thiên Cửu Trùng Thanh Vân công chúa được thờ tại ban Bán Thiên, thì trong cung còn 3 ngôi vị là Địa, Nhạc Thủy, người ta lại quan niệm Thiên Địa là một thì suy tôn tiếp Địa tiên Thánh Mẫu làm mẫu Thượng Thiên. Nếu như vậy, vô tình ta đã thờ 2 mẫu thượng thiên: 1 ở bên ban Bán thiên, 1 ở trong cung đây là điều có vẻ không hợp lý. Họ lấy lý do là Mẫu Địa Tiên Thăng về trời để suy tôn, đây có lẽ là lý do không hợp lý, bởi vì:

    • Tất cả các Mẫu, các Nhân Thần khi mất đi đều về trời làm Thần, Thánh.
    • Nếu xây dựng hình tượng mẫu về trời cả hồn và xác thì thật là không hợp với lôgic và lịch sử:

      • Về mặt Logic: Là xác phàm thì làm gì có khả năng về trời, biến hóa vô thường.
      • Về mặt Lịch sử: Theo Ngọc Phả, Mẫu Liễu Hạnh là Giáng Tiên, mất ngày 3/3/1577 thọ 21 tuổi, mộ phần táng tại xứ Cây Đa, xã Tiên Hương, và Lăng Mộ hiện nay được tu sửa vẫn còn đó.
    Nếu giả sử hợp nhất 2 phủ Thiên Địa là 1 thì các Nhân Thần của Địa Phủ đều trở thành nhân thần của Thiên Phủ. Đây lại là một mâu thuẫn, bởi vì, Nhân Thần mà nhân dân suy tôn và thờ phụng là con người có thật, được lịch sử ghi nhận, sống cùng với mọi người và thác thì về với trời làm Thần. Như vậy, vô tình ta đã đưa các nhân vật lịch sử này sống ở một nơi mà ta chưa bao giờ tới, đó là trên trời.
    Theo Linh Thông, việc tôn xưng 3 vị trong cung thì cũng nên giữ đúng tên phủ của Mẫu là Địa tiên Thánh Mẫu, Thượng ngàn Thánh Mẫu và Thủy Cung Thánh Mẫu, hợp với Thượng Thiên Thánh Mẫu được thờ ở ban thờ Cửu Trùng Thiên (ban thờ Mẫu Bán Thiên) sẽ hợp lý hơn và phù hợp với các văn cúng cổ và tín ngưỡng truyền thống mà cổ nhân lưu truyền.


    Nếu xét về thứ tự ngôi thứ thì nên tuân theo quy tắc thời gian xuất hiện của thánh Mẫu mà Cổ Nhân đã ghi chép lại và cũng phù hợp với các xưng hô thông thường của Nhân sinh (sinh ra trước là chị, sinh ra sau làm em):

    • Đệ Nhất Thượng Thiên Thánh Mẫu, Cửu Trùng Thiên Vương Thanh Vân Công Chúa
    • Đệ Nhị Thượng Ngàn Thánh Mẫu, Lê Mại Đại Vương Chưởng Sơn Lâm Công Chúa
    • Đệ Tam Thoải Cung Thánh Mẫu, Xích Lân Long Nữ Ngọc Bạch Hồ trung Thủy Cung Công chúa
    • Đệ Tứ Địa Tiên Thánh Mẫu, Liễu Hạnh Công chúa sắc phong Chế thắng Hòa Diệu Đại Vương Mã vàng Bồ Tát
    Nếu xét về tính bình đẳng của các phủ thì mỗi Phủ có tính độc lập riêng, và có tính ngang bằng với nhau dưới sự cai quản của Ngọc Hoàng Thượng Đế, thì cũng có thể nên bỏ ngôi thứ mà chỉ nên xưng hô theo tên Phủ:

    • Thượng Tiên Thánh Mẫu - Cửu Trùng Thiên Vương Thanh Vân Công Chúa
    • Địa Tiên Thánh Mẫu - Liễu Hạnh Công chúa sắc phong Chế thắng Hòa Diệu Đại Vương Mã vàng Bồ Tát
    • Thượng Ngàn Thánh Mẫu - Lê Mại Đại Vương Chưởng Sơn Lâm Công Chúa
    • Thoải Cung Thánh Mẫu - Xích Lân Long Nữ Ngọc Bạch Hồ trung Thủy Cung Công chúa

  5. Ngũ Vị Vương Quan: còn gọi là Ngũ Vị Tôn Ông, gồm 4 Vị quan đại diện Tam giới tiên thánh quản lý 4 phủ và 1 vị quan lớn cai quản thần binh tam giới, Đây là 5 vị quan lớn thuộc Tam giới tiên thánh (Tam Phủ), mỗi người có nhiệm vụ cụ thể riêng biệt:

    • Đệ Nhất Vương Quan: Đệ Nhất Thượng Thiên Hoàng thái tử Vương Quan còn gọi là quan lớn Thượng Thiên, Ngài trực tiếp hầu cận vua cha, được thay quyền và đại diện cai quản cõi nhân gian, thừa hành Tam giới, tâu đối tội phúc nhân danh cõi thượng thiên.
    • Đệ Nhị Vương Quan: Đệ Nhị Thượng Ngàn Quan Giám Sát Vương Quan còn gọi là quan lớn Giám Sát, ngài có nhiệm vụ thanh tra giám sát thượng ngàn.
    • Đệ Tam Vương Quan: Đệ Tam Thoải Cung hoàng thái tử vương quan còn gọi là quan lớn Đệ Tam, ngài có nhiệm vụ cai quản các Thanh Đồng.
    • Đệ Tứ Vương Quan: Đệ Tứ Khâm Sai Hoàng Thái Tử Vương Quan còn gọi là quan lớn Đệ Tứ, Ngài được vua cha giao nhiệm vụ kiếm soát, trấn giữ đồng bằng địa linh.
    • Đệ Ngũ Vương Quan: Đệ Ngũ hoàng thái tử Vương Quan còn gọi là Quan lớn Tuần Tranh, Ngài được Ngọc Hoàng ban cho thống lĩnh thiên địa, thủy binh, trừ tà, sát quỷ.
  6. Tứ phủ Chầu Bà: bao gồm 12 chầu bà, mỗi bà có nhiệm vụ và vai trò khác nhau:

    • Có 4 vị chầu bà là hiển thân của 4 vị Thánh Mẫu của mỗi Phủ:

      • Chầu bà Đệ Nhất Thượng Thiên - Đại diện cho Mẫu Thượng Thiên để kiểm soát trong Thiên Phủ
      • Chầu bà Đệ Nhị Thượng Ngàn - Đại diện cho Mẫu Thượng ngàn để kiểm soát trong phủ Nhạc Phủ. (Xem thêm bài viết)
      • Chầu bà Đệ Tam Thoải cung - Đại Diện cho Mẫu Thoải Cung kiểm soát trong Thủy Phủ
      • Chầu bà Đệ Tứ Hoàng Địa - Đại Diện cho Mẫu Địa Tiên kiểm soát trong Địa Phủ
    • Có 2 vị chầu bà là đại diện của 2 vị Chúa bà của Sơn trang:
    • Có 3 vị Chầu Bà thuộc Văn Thần:

      • Chầu bà Năm Suối Lân
      • Chầu bà Chín Cửu Tỉnh
      • Chầu bà Bản Đền
    • Có 3 Vị Chầu bà Thuộc Võ Tướng:

      • Chầu bà Bảy Tân La - Võ tướng của Hai bà Trưng
      • Chầu bà Tám Bát nàn - Võ tướng của Hai bà Trưng
      • Chầu bà Mười Đồng Mỏ - Võ tướng thời Lê Thái Tổ
  7. Tứ vị Thánh Hoàng: gồm là Tứ vị Thánh Hoàng được giao nhiệm vụ quản lý, chấm đồng (xây dựng quân đội)...:

    • Quan Hoàng Cả - hay còn gọi là Hoàng Quận, Hoàng có nhiệm vụ quản lý, trông coi sổ sách
    • Quan Hoàng Đôi - Quan có quyền thay quyền Tứ Phủ đi chấm lính nhận đồng
    • Quan Hoàng Bảy - Quan có quyền thay quyền Tứ Phủ đi chấm lính nhận đồng
    • Quan Hoàng Mười - Quan có quyền thay quyền Tứ Phủ đi chấm lính nhận đồng
    Ngoài ra, còn có 6 vị hoàng khác khi thác về trời làm thần.
  8. Tứ phủ Thánh Cô: bao gồm có 12 vị thánh Cô
    • Cô Đệ Nhất Thượng Thiên
    • Cô Đôi Thượng Ngàn
    • Cô Ba Thoải Cung
    • Cô Tư Địa Phủ
    • Cô Năm Suối Lân
    • Cô Sáu Sơn Trang
    • Cô Bảy Tân La
    • Cô Tám Đồi Chè
    • Cô Chín Sòng Sơn
    • Cô Mười Mỏ Ba
    • Cô Bé Thượng Ngàn - Cô mười một
    • Cô Bé Bản đền - Cô mười hai
    Trong đó, có tứ vị Khâm sai Thánh Cô: Cô Đôi Thượng Ngàn, Cô Bơ Thoải, Cô Chín Sòng Sơn, Cô Bé Đông Cuông.
  9. Tứ phủ Thánh Cậu: Tứ phủ Khâm Sai thánh Cậu, bao gồm có 4 vị Thánh cậu Hoàng được giao nhiệm vụ chấm lính nhận đồng (chiêu binh mãi mã):
    • Cậu Hoàng Cả Thượng Thiên
    • Cậu Hoàng Đôi Thượng Ngàn - còn gọi là Cậu bé Hoàng
    • Cậu Hoàng Ba Thoải Cung
    • Cậu Hoàng Tứ Địa Phủ
    Ngoài ra, còn có các Cậu bé Bản đền, cậu Quận,...
  10. Hạ Ban: Được thờ các Thần Binh trong tam giới, đại diện là Ngũ Hổ Thần Tướng, Xà Thần (Thanh Xà Bạch Xà) và các Thần Binh bản đền bản điện.
4. Phối thờ phụng Ngoài Tứ phủ
Tính hoa của Hệ thống tin ngưỡng Tam, Tứ Phủ là đã bao gồm cả Nam Thần Và Nữ Thần, cho nên khi phối thời phụng không còn giới hạn về chức tước, ngôi vị hay các phái tín ngưỡng. Trong lối phối thờ hiện nay, thường ta thấy có phối thờ Trần Triều và Sơn trang. Đây là hai phái không thuộc hệ thống tứ phủ, nhưng không thể nằm ngoài Tam phủ. Việc phối thờ Sơn Trang, Trần Triều được thể hiện ở lưỡng ban:
  • Ban Sơn Trang: Đại diện đứng đầu là Chúa Bà Đệ Nhị Thánh Tổ Sơn Trang Cao Sơn Thần Nữ - đại diện cho Văn Thần, được xây dựng hình tượng về ban tài tiếp lộc.
  • Ban Trần Triều: Đại Diện đứng đầu là Đức Thánh Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn - Đại diện cho Võ Thần, được xây dựng hình tượng trừ tà, sát quỷ, trấn giữ của đền, cửa điện,...
Ngoài ra, một số cửa đền, cửa điện còn phối thờ các Nhân Thần khác có công với nhân dân, với đất nước nhưng không thuộc hệ thống tín Ngưỡn Tứ Phủ thánh mẫu như: Chử đồng tử tiên dung, Thánh Gióng,...
5. Quy ước và khái niệm được dùng trong Tam, Tứ Phủ
a. Quy ước về màu sắc
Màu áo của các phủ có tính tượng trưng và đại diện, và có ý nghĩa riêng:
  • Màu đỏ - đại diện cho Thiên Phủ (do gần với mặt Trời nên có màu Đỏ);
  • Màu Xanh - đại diện Nhạc Phủ vì thượng ngàn là rừng xanh;
  • Màu Vàng - Đại diện cho Địa Phủ (do màu vàng có âm Hoàng (黃) cũng có nghĩa chỉ về Đất, còn nếu xét theo màu thì Đất không có màu vàng);
  • Màu Trắng - Đại diện cho Thủy Phủ vì nước thì có màu Trắng.
b. Một số khái niệm
  • Phủ: Chữ Hán Việt: 府; là một đơn vị hành chính (cao hơn cấp tỉnh, nhỏ hơn cấp trung ương), có các ban bệ chức vị, tước vị
  • Điện: Chữ Hán Việt: 殿; là nơi để thờ các thần thánh
  • Bộ: Chữ Hán Việt: 部; là đơn vị có chức vụ riêng trong một cơ quan (phái tín ngưỡng, một phủ).
    Ví dụ: Lục Bộ Trần Triều - gồm sáu Vị Đức Ông của Trần Triều chuyên trừ tà sát quỷ.
  • Đền: Chữ Hán Việt: 祠 (từ); là nơi để thờ thần thánh, thờ thần chủ rõ ràng, sau đó có thể là các thuộc hạ hầu cận. Thông thường được thờ Nhân Thần, người có công với đất nước, với nhân dân.
  • Miếu: Chữ Hán Việt: 廟; là nơi để thờ thần thánh, thờ thần chủ rõ ràng, thường không có các thuộc hạ hầu cận, thường thờ những thần linh mang tính chất Thần Thoại.
TÍN NGƯỠNG
Xem trang tin
Quy tắc hầu Thánh Trần triều
Đương thời Nhà Trần không có thiện cảm với tục thờ Mẫu, nhất là Hầu đồng cho nên trong tục Hầu Thánh Trần Triều tại các phủ đền thờ tín ngưỡng Trần Triều như Kiếp Bạc thì các Đạo nhân chỉ hầu các Thánh nhà Trần, không hầu đồng Tứ phủ tại đây. Nếu có, tổ chức hầu tại nơi khác ngoài Thần Điện thờ Công đồng Trần Triều, ở kiếp bạc thường hay hầu bên Nam Tào, Bắc đẩu, ở nơi khác thường hay hầu ngoài hoặc cung không thuộc công đồng Trần Triều.
Ngoài ra, Thực tế đây là một tín ngưỡng khác với tín ngưỡng thờ Mẫu, nên có các quy tắc riêng mà các Đạo nhân cần phải biết để tránh mang hệ lụy về sau.
Một số quy tắc hầu Thánh nhà Trần
Đạo nhân mới tiến lễ Đội lệnh nhà Trần mà chưa hoàn thành việc tạ lễ thì chỉ hầu cô đệ nhị Đại Hoàng và các giá khác, chưa được hầu các thánh chính cung Công Đồng: Đức Đại Vương, Đức Thánh Ông, Lục Bộ Thánh Ông: nói cách đơn giản là Đạo nhân mới, đạo hạnh còn chưa đủ lớn để tiếp nhận mệnh lệnh nặng nề trừ ma diệt yêu thì chưa được hầu các ngài.
Sau khi lễ tạ...
Xem chi tiết
Tín ngưỡng truyền thống Việt Nam
Tín ngưỡng Đạo giáo thần tiên
Sơ lược tín ngưỡng Đạo giáo
Tính triết lý cơ bản của Đạo giáo
Sơ lược về Nho giáo
Triết lý cơ bản của Nho giáo
Sơ lược tín ngưỡng thờ Trần triều
Đội lệnh Nhà Trần
Sơ lược tín ngưỡng thờ Mẫu
Nguồn gốc Tam - Tứ Phủ
Nghi lễ trình Đồng mở Phủ
Nghi lễ Hầu Đồng
Tôn nhang bản mệnh
Liên kết với ADS:
ADS
Giới thiệu về chúng tôi
Hướng dẫn thanh toán
Chính sách sản phẩm - dịch vụ
SẢN PHẨM
Phần mềm quản lý tiệm cầm đồ
Cầm đồ cho vay trả góp - GoldAnt
Chuyển tệp tin exe thành msi
CỘNG ĐỒNG
Khoa học tâm linh Việt Nam
HỖ TRỢ
Liên hệ với chúng tôi
Liên hệ với chúng tôi qua zalo
Liên hệ với chúng tôi qua Facebook
Gửi phản ảnh tới chúng tôi
Trợ giúp cho ứng dụng
TRUNG TÂM CÔNG NGHỆ SỐ HÓA QUẢN LÝ ADS
Địa chỉ: Khu 3, Tiên Kiên, Lâm Thao, Phú Thọ
Hotline: 0946932083*adstruly.com@gmail.com