Nho giáo (儒教), còn gọi là đạo Nho hay đạo Khổng là một hệ thống đạo đức, triết học xã hội, triết lý giáo dục và triết học chính trị do Khổng Tử đề xướng và được các môn đồ của ông phát triển với mục đích xây dựng một xã hội hài hòa, trong đó con người biết ứng xử theo lẽ phải và đạo đức, đất nước thái bình, thịnh vượng.
Nho giáo rất có ảnh hưởng tại ở các nước Đông Á là Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Bắc Triều Tiên, Hàn Quốc và Việt Nam. Những người thực hành theo các tín điều của Nho giáo được gọi là các nhà Nho, Nho sĩ hay Nho sinh.
Ở Việt Nam, Nho giáo được du nhập vào từ đầu công nguyên không phải là Nho nguyên thủy, mà là Hán Nho và Tống Nho trong sự phát triển đồng hành, tác động qua lại với Phật giáo và Đạo giáo và phải trải qua một thời gian khá dài mới bén rễ được vào đời sống chính trị và tinh thần của xã hội. Nho giáo thịnh hành nhất vào thời Lê sơ, với nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền. Nho Giáo ở Việt Nam để lại dấu ấn rất lớn trong quá trình giáo dục và lịch sử dựng nước ở các triều đình phong kiến thời trung đại. Tín ngưỡng truyền thống Việt Nam đã tiếp nhận Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo để làm nên
"Tam giáo đồng nguyên" (cả ba tôn giáo có cùng một gốc) và
"Tam giáo đồng quy" (cả ba tôn giáo có cùng một mục đích). Ba tôn giáo đã trợ giúp lẫn nhau: Nho giáo chăm lo tổ chức xã hội, Đạo giáo chăm lo thể xác con người, Phật giáo chăm lo đời sống tâm linh con người. Trong nhiều thế kỷ, hình ảnh "Tam giáo tổ sư" với Phật Thích Ca Mâu Ni ở giữa, Lão Tử ở bên trái, Khổng Tử ở bên phải đã in sâu vào tâm thức mọi người Việt.
Nho giáo răn dạy con người phải "Trung quân ái quốc", "Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách", nên đã góp phần tạo nên truyền thống bất khuất chống ngoại xâm. Trong lịch sử Việt Nam, đã có rất nhiều tấm gương nhà Nho yêu nước, hy sinh vì dân tộc. Lịch sử Việt Nam ghi lại tên tuổi của nhiều bậc nhà Nho tài đức: Chu Văn An (1292-1370); Nguyễn Bỉnh Khiêm (1409-1595), Nguyễn Thiếp (1723-1804)... học trò của họ, dẫu có quyền lực rất cao đi nữa cũng không bỏ rơi lễ nghĩa, đạo đức với thầy. Sử chép rằng, Chu Văn An đã dâng sớ xin vua chém 7 tên gian thần, vua không nghe, tức khắc ông từ quan về quê. Một hôm, học trò ông là Phạm Sư Mạnh, đang làm quan to ở triều, về thăm thầy (tức Chu Văn An), dọc đường qua khu chợ đang họp, Phạm Sư Mạnh sai lính thét dân dẹp đường, làm huyên náo. Biết được sự việc, Chu Văn An giận học trò mình quên Lễ Nghĩa với dân, bèn đóng cửa nhà không cho Phạm Sư Mạnh gặp mặt. Vị quan lớn triều đình đã phải quỳ trước cửa cả buổi thầy mới tha lỗi. Nho giáo đã tạo nên những người thầy can trực, đạo đức, như thế mới có thể đào tạo nên những học trò hữu ích cho đất nước.
Nhờ Đạo Nho, người Việt Nam rất coi trọng sự học hành, năm 1076, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã được lạp lên có thể coi đây là trường đại học đầu tiên ở Việt Nam. Nơi đây còn lưu giữ nhiều tấm bia ghi lại tên tuổi các Nho sĩ đỗ đạt trong các kỳ thi Khoa bảng Việt Nam cùng nhiều bài văn bia nêu lên triết lý giáo dục: mở đầu là ca ngợi công đức của các minh quân, ca ngợi đạo Nho và bậc thánh nhân quân tử; phần tiếp theo nói về việc mở khoa thi và liệt kê họ tên, quê quán những người thi đỗ đại khoa; phần cuối là những lời bình về ý nghĩa của việc tuyên dương đạo Nho, trách nhiệm và nghĩa vụ của người đỗ đạt trước giang sơn đất nước.
Nho giáo rất xem trọng Lễ nghi vì nó là biểu hiện của một xã hội văn minh và có trật tự. "Lễ" là những quy tắc mang tính hình thức được xã hội thừa nhận để bày tỏ sự tôn trọng đối với người khác, với cộng đồng hoặc với những định chế xã hội và để nhận được sự tôn trọng của xã hội. Việc giữ Lễ là một cách tu thân và chứng tỏ con người biết tuân thủ những nguyên tắc đạo đức trong quan hệ với người xung quanh. Một xã hội không biết giữ Lễ là xã hội hỗn loạn, kém văn minh và suy đồi. Lễ giáo phai nhạt cũng là biểu hiện các mối quan hệ giữa con người trong xã hội đã xấu đi, trật tự xã hội đã suy yếu. Lễ nghi sẽ tạo ra một xã hội hài hòa trong đó mọi người đều tự tiết chế trong mối quan hệ giữa người với người, không để những cảm xúc tiêu cực biến thành hành động mạo phạm, bất kính với người khác. Hữu Tử nói:
"Tác dụng của lễ đạt được sự thống nhất, hài hòa mới là đáng quý. Phương pháp trị nước của những bậc vua hiền thời cổ đại có đúng đắn là ở chỗ này: việc lớn việc nhỏ đều tuân thủ nguyên tắc hài hòa. Nhưng có điều không nên làm: chỉ biết hài hòa là quý, rồi trong mọi việc chỉ biết hài hòa, không lấy lễ nghĩa để tiết chế thì việc gì cũng không xong". Khổng Tử nói
"Người quân tử học rộng về văn chương lại biết dùng lễ để chế ước, ràng buộc mình sẽ không bao giờ xa Kinh phản Đạo". Mỗi xã hội, mỗi thời đại đều có những nghi thức của riêng nó nhưng chung quy không xã hội văn minh nào có thể bỏ đi những lễ nghi mà chỉ thay đổi đối tượng, mục đích hoặc hình thức.
Khổng Tử nói:
"Một người không có lòng nhân sao có thể hành được lễ?". Khổng Tử phê phán những lễ nghi hình thức giả dối. Ông nói
"Người đời trước đối với lễ nhạc, coi trọng phối hợp thích đáng giữa nội dung và hình thức thì bị coi là lạc hậu quê mùa. Người đời sau đối với lễ nhạc, coi trọng hình thức hơn nội dung thì lại bảo là người quân tử. Nếu sử dụng lễ nhạc, ta tình nguyện đi theo các bậc tiền bối". Khi được hỏi về gốc của lễ, Khổng Tử trả lời:
"Vấn đề của ngươi hỏi thật quá lớn! Lễ nói chung đi kèm với xa hoa lãng phí thì không bằng tiết kiệm. Nghi thức mai táng mà cầu kỳ, lòe loẹt thì không bằng trong lòng thật sự đau buồn".
Ngày nay, một số học giả cho rằng Nho giáo có tác động tích cực lên sự phát triển của nền kinh tế các nước Đông Á. Đạo đức Nho giáo đề cao sự chăm chỉ và tiết kiệm. Đây có thể là nguyên nhân khiến các nước chịu ảnh hưởng của Nho giáo như Hàn Quốc và Đài Loan có tỷ lệ tiết kiệm cao nên có thể phát triển kinh tế nhanh chóng. Theo nghiên cứu của Mankiw, Romer và Weil, tỷ lệ tiết kiệm cao sẽ dẫn đến thu nhập cao hơn trong tình trạng kinh tế ổn định đồng thời làm tăng vốn con người cũng như tăng năng suất của nền kinh tế. Nhìn chung chính sách kinh tế vĩ mô của các nước chịu ảnh hưởng của Nho giáo nhấn mạnh vào việc tăng năng suất lao động và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, chú trọng giáo dục đào tạo bằng cách phân bổ nhiều ngân sách cho mục đích này, nhấn mạnh vào tiết kiệm quốc gia, tăng thặng dư ngân sách, tăng dự trữ quốc gia, chống tham nhũng, xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch và hiệu quả, thu hút đầu tư nước ngoài và tăng xuất khẩu, khuyến khích tinh thần kinh doanh, hỗ trợ các doanh nghiệp mới thành lập...
Mặc dù có một số điểm chung giữa Nho giáo và chủ nghĩa xã hội như coi trọng nếp sống cộng đồng, nhưng trong Nho giáo coi trọng gia đình, thì chủ nghĩa xã hội muốn mở lòng hơn với những người khác, Nho giáo coi trọng tu thân còn chủ nghĩa xã hội coi trọng cải tạo xã hội. Nho giáo không cổ súy cho tự do tình dục, tự do hôn nhân, chủ nghĩa xã hội thì đề cao tự do yêu đương, nhưng tình yêu đó cần xuất phát từ sự trong sáng không có vụ lợi về tiền bạc, địa vị, không thể trở thành hàng hóa; ngược lại xã hội tư bản coi trọng tự do tình dục, tình yêu nhưng trong thời kinh tế tư bản thì nhiều quan hệ yêu đương hay hôn nhân lại xuất phát từ toan tính lợi ích cá nhân (thường là vật chất) và dễ đổ vỡ, và nạn mại dâm tăng nhanh. Trong xưng hô, những người cộng sản hay gọi nhau là "đồng chí", không phân biệt tuổi tác, chức phận, còn những người ảnh hưởng của Nho giáo thì hay xưng hô theo chức phận, tuổi tác (như trong công sở, doanh nghiệp hay gọi ông chủ, tổng giám đốc...)