I. Điều kiện tiến hành nghi lễ trình Đồng mở Phủ
Trong tín ngưỡng thờ mẫu, trình Đồng mở Phủ là nghi lễ thiêng liêng của người bước vào tín ngưỡng hầu đồng sau lễ này người được trình đồng mở phủ được gọi là Tân Đồng, chính thức là thanh đồng, thờ phụng chư vị Thánh Mẫu và được hưởng các đặc ân của nhà ngài. Tuy nhiên, để tiến hành nghi lễ trình đồng mở phủ cả người tiến hành lễ mở phủ (Thủ Nhang) và người được hưởng nghi lễ đều phải có các điều kiện nhất định:
1. Điều kiện đối với Người được mở phủ
- Đã khẳng định có căn duyên với Tín Ngưỡng thờ Mẫu ở mức độ căn thâm số nặng đến mức bắt buộc phải làm tôi Tứ phủ
- Đã tiến lễ Tôn bản mệnh đủ bách nhật: Đây là quy ước theo lối cổ, bởi vì sau 100 ngày Người mong muốn được mở phủ có đủ thời gian để chuẩn bị những việc sau:
- Có đủ thời gian để tìm hiểu các lễ nghi, quy ước,... trong tín ngưỡng thờ Mẫu, Hầu Đồng
- Có đủ thời gian để nhất tâm, vững lòng tin vào tín ngưỡng thờ Mẫu và Hầu Đồng
- Có đủ thời gian để thanh tịnh cơ thể, sám tạ gia tiên làm trong sạch bản mệnh trước khi Trình Đồng mở Phủ
- Có đủ thời gian để chuẩn bị các điều kiện về vật chất, tài chính,...
- Có đủ thời gian để tìm hiểu các chuẩn mực khác trong tín ngưỡng thờ Mẫu
- Nếu là người đã trình Đồng mở Phủ rồi, thì phải làm nghi lễ Cuốn Cầu hoặc nghi lễ tương tự để xin thoái đồng trước khi thực hiện lại nghi lễ mở phủ.
2. Điều kiện đối với Người mở phủ - Thanh Đồng
Người tiến hành nghi lễ mở phủ thường phải là Thanh Đồng, thường là Thủ Nhang đề, điện. Để tiến hành lễ Trình Đồng mở Phủ cần phải có điều kiện sau:
- Là Thanh Đồng có tuổi Đồng tối thiểu quá 9 năm, bởi vì:
- Người có tuổi Đồng 9 năm trở đi là người đã nắm rõ về các quy ước, các luật lễ nghi và hưởng đầy đủ các ân huệ của Thánh Mẫu.
- Người có tuổi Đồng 9 năm trở đi là người đã trải qua một "thập niên băng giá" của bản mệnh. Bởi khi trình đồng mở phủ, Thanh Đồng cũng từng bị "cơ hành" và xin tiến vào tín ngưỡng thờ Mẫu, nghi lễ Hầu Đồng, trong thời gian này Thanh Đồng chưa qua hết được thời kỳ băng giá của bản mệnh, hay còn gọi là thời kỳ Thử lính, Thử đồng.
Thanh Đồng thường truyền miệng nhau là 3 năm thử lính, 9 năm thử đồng đây là 2 con số có tính chất lồng nhau, chứ không phải là là 2 giai đoạn nối tiếp. Nghĩa là, nếu qua được 3 năm thử thách thì mới chỉ là qua được giai đoạn thử lính (tức thử Tân Đồng), và sau 9 năm trình đồng mở phủ thì mới đủ thời gian thử Thanh Đồng. Theo vòng lặp thăng trầm của Thiên Can thì đây cũng là thời gian mà con người trải qua đủ thập niên (10 năm) của chu kỳ "Hàn băng" (chu kỳ xấu) của một mệnh người nếu đã vướng vào nó.
Như vậy, sau 9 năm thì Thanh Đồng Thủ Nhang mới bước sang một thời kỳ mới tươi tốt, như vậy sẽ tiếp được nhiều phúc, chúc được được nhiều tài lộc cho Tân Đồng.
- Là Thanh Đồng Thủ Nhang của một cửa điện, đền, phủ thờ Tứ Phủ
- Là Thanh Đồng có Tâm Đạo tốt, nắm chắc các quy tắc trong nghi lễ trình Đồng mở Phủ
II. Nghi lễ trình Đồng mở Phủ
1. Nghi lễ trình Đồng mở Phủ
Trong nghi lễ Trình Đồng Mở Phủ được chia là 2 nghi lễ: Nghi lễ pháp sự và nghi lễ Hầu Trình Đồng Mở Phủ
a. Nghi lễ pháp sự
Chủ lễ thỉnh mới pháp sư (thông thường là Thủ Nhang mời giúp) thảo sớ văn, tiến lễ chư Phật, tiến lễ Tam giới Tiên Thánh và tiến lễ Tứ Phủ thần linh. Trong nghi lễ, Pháp sư tiến hành các pháp sự Trình Căn Bản mệnh, tấu thỉnh Tiên Thánh về nghi lễ Hầu trình Đồng mở phủ của Đồng Thầy.
Chú ý, Đây là nghi lễ do Pháp sư thực hiện, Thanh Đồng không được phép thực hiện.
b. Nghi lễ Hầu Trình Đồng mở Phủ
Đây là nghi lễ do Đồng Thầy thực hiện, phải tuân theo đầy đủ nghi thức Hầu Đồng, trong đó có thỉnh Hầu Ngũ vị Tôn Ông (Ngũ vị quan lớn) về khai đàn mở phủ, thỉnh hầu Tam vị Thánh Bà (Chầu đệ nhị, Chầu Lục, Chầu Bé) về sang khăn áo, chứng lễ nhận Đồng, và thỉnh Tứ phủ tiên thánh khác về chứng lễ. Cụ thể như sau (chú ý, bài viết dưới đây không có ý sắp xếp thứ tự hầu ngự):
- Ngũ vị tôn ông: Ngự về tiến hành nghi thức khai Phủ:
- Đệ Nhất Tôn Ông: Đệ Nhất Thượng Thiên Hoàng thái tử Vương Quan còn gọi là quan lớn Thượng Thiên, Ngài trực tiếp hầu cận vua cha, được thay quyền và đại diện cai quản cõi nhân gian, thừa hành Tam giới, tâu đối tội phúc nhân danh cõi thượng thiên.
Ngài ngự về khai Thiên Phủ, tiến hành nghi thức nhận Đồng Nhân, chép biên sổ sách. - Đệ Nhị Tôn Ông: Đệ Nhị Thượng Ngàn Quan Giám Sát Vương Quan còn gọi là quan lớn Giám Sát, ngài có nhiệm vụ thanh tra giám sát thượng ngàn.
Ngài ngự về khai Nhạc Phủ, tiến hành nghi thức nhận Đồng Nhân, chép biên sổ sách. - Đệ Tam Tôn Ông: Đệ Tam Thoải Cung hoàng thái tử vương quan còn gọi là quan lớn Đệ Tam, ngài có nhiệm vụ cai quản các Thanh Đồng.
Ngài ngự về khai Thủy Phủ, tiến hành nghi thức nhận Đồng Nhân, chép biên sổ sách. - Đệ Tứ Tôn Ông: Đệ Tứ Khâm Sai Hoàng Thái Tử Vương Quan còn gọi là quan lớn Đệ Tứ, Ngài được vua cha giao nhiệm vụ kiếm soát, trấn giữ đồng bằng địa linh.
Ngài ngự về khai Địa Phủ, tiến hành nghi thức nhận Đồng Nhân, chép biên sổ sách. - Đệ Ngũ Tôn Ông: Đệ Ngũ hoàng thái tử Vương Quan còn gọi là Quan lớn Tuần Tranh, Ngài được Ngọc Hoàng ban cho thống lĩnh thiên địa binh, trừ tà, sát quỷ.
Ngài ngự về thu chấp kim ngân tài mã, chấp điệp sớ văn tấu trình tứ phủ.
- Tam vị thánh Bà:
- Chầu đệ nhị: Đại diện cho tam vị Thánh Mẫu chứng lễ nhận Đồng (ngài là hiện thân của Mẫu Đệ Nhị)
Chầu Đệ Nhị về sang áo nhận Đồng hoặc chứng tiền trăm trầu trình
Thông thường Thỉnh Chầu Đệ Nhị về sang khăn áo cho Thanh Đồng có căn duyên lập điện thờ phụng. - Chầu Lục cung nương: Đại diện cho Sơn trang chứng lễ nhận Đồng (do Ngọc Đế cho bà hiển thánh cai giữ miền non ngàn sơn trang)
Chầu Lục về sang áo nhận Đồng hoặc chứng tiền trăm trầu trình
Thông thường Thỉnh Chầu Lục về Sang khăn áo cho Thanh Đồng không có căn duyên lập điện thờ phụng mà chỉ mở phủ Hầu Mẫu xin lộc làm ăn. - Chầu Bé: Chầu Bé thuộc tam tòa sơn lâm, sơn trang và cũng là người kề cận Công Đồng (hay gọi là Công Đồng Bắc Lệ), Chầu về chứng lễ nhận Đồng
Chầu Bé về chứng tiền Trăm trầu trình, đôi khi cũng sang khăn áo nhận Đồng (nhưng rất ít).
Vấn đề ít khi thỉnh Chầu bé sang khăn vì có giai thoại về Chầu Bé quyên sinh do bị giặc hãm hại, vì thế khi ngài sang khăn áo thì Đồng Nhân gặp chuyện không vui trong tình duyên, làm ăn trắc trở,... cho nên thường thỉnh Chầu Bé về chứng Tiền Trăm Trầu Trình là chính.
2. Lễ, Mã tiến cúng trong lễ Trình Đồng mở Phủ
- Bày đàn tràng: Hương, hoa, quả, nến, bánh kẹo, và các vật phẩm khác cúng tiến công đồng tiên thánh và đình thần tứ phủ.
- Bày đàn tứ phủ để tiến lễ mở phủ không thể thiếu:
- 4 Hũ nước 4 phủ: là 4 hũ đựng nước sạch, để thỉnh Tứ vị Vương Quan về Khai hồ mở phủ.
Ý nghĩa - Nước sông Ngân Hà rửa sạch Đồng Nhân, Thanh tẩy Hồng Trần phụng sự thánh nhân - Trứng vịt lễ 4 phủ: mỗi phủ gồm 5 trứng hàng thủy cầm (thường là trứng vịt) - số 5 là đại diện cho ngũ phương, ngũ hành,... (giờ thì họ yêu cầu nam thì 7 trứng, nữ thì 9).
Ý nghĩa là "Trứng rồng lại nở ra rồng" để cho Thanh đồng được hưởng Thánh ân. - Gương lược lễ 4 phủ: Mỗi phủ gồm 5 bộ gương lược.
Ý nghĩa - Lược thì trải truốt xinh ra, gương thì soi tỏ nước da ngọc ngà. - Khăn mặt lễ 4 phủ: Mỗi phủ gồm 5 chiếc.
Ý nghĩa - Lau cho mặt phấn da hường, để cho Đồng được muôn phần sáng tươi - Nước hoa lễ 4 phủ: Mỗi phủ gồm 5 lọ.
Ý nghĩa - Mặt hoa da phấn thơm lừng, Tẩy uế phàm trần - hầu cận thánh nhân - Vở, bút lễ 4 phủ: Mỗi phủ 5 bộ.
Ý Nghĩa - Quan về Truất bút phê chương, nhận Đồng Chấm Lính tấu chương rõ ràng - Quạt lễ 4 phủ: Mỗi phủ gồm 5 quạt.
Ý nghĩa - Mở quạt quạt mát cho Đồng, Quạt cho yên lặng bão giông cuộc đời - Hạt Ngũ Cốc 4 phủ: Mỗi phủ gồm 5 bộ, mỗi bộ gồm 5 túi (đĩa, bát,...) đựng 5 loại Hạt giống (thóc, ngô, đỗ, lạc, vừng,...- tùy theo từng vùng).
Ý nghĩa - Quan về cấp thực cho Đồng, Ấm lo sung túc ruộng vườn tốt tươi. - Ngoài ra, trên mâm cũng có thể dâng một số lễ khác: Chè, Thuốc lá, bật lửa,...
- Khăn áo bản mệnh của Tân Đồng
- Lễ mặn cúng trong pháp sự:
- Xôi: Ngọc thực - nuôi sống cõi nhân gian, đại diện cho vật phẩm của nhân sinh - Địa
- Gà trống: giống chim phượng - đại diện cho vật phẩm của trời - Thiên
- Thịt lợn hoặc đầu lợn: đại diện cho vật phẩm núi rừng - Nhạc
- Vịt hoặc ngan: có nơi dùng cá hoặc thủy cầm - đại diện cho vật phẩm của sông nước - Thủy
- Đàn mã: Ngựa Phát tấu, hình nhân thế mệnh, ngựa, voi, tòa sơn trang, tam đầu lốt,... tùy thuộc vào điều kiện của Tân đồng tiến biếu sao cho đầy đủ
- 4 hình nhân thế mệnh về 4 phủ
- 5 ngựa dâng 5 vị Quan lớn
- 1 ngựa, 1 voi, 1 thuyền rồng, 1 tòa chúa sơn lâm sơn trang (có đủ bộ động sơn trang, hải sảo, 12 cô): Dâng về Thiên địa thủy và sơn trang
- Lốt tam đầu: Dâng về Quan Tuần Tranh. Ý nghĩa về sức mạnh của Quan Tuần Tranh, sát quỷ trừ tà.
- Tiền Vàng, vàng nén đủ lễ tứ phủ, ngũ vị vương quan, Tam vị thánh hoàng, các cô, cậu
- Ngoài ra, Tân Đồng có điều kiện thì tiến biếu các cung các sở khác
Về vấn đề mã, ngày nay do điều kiện kinh tế phát triển, đã phát sinh ra nhiều mã khác, thôi thì đó là tùy tâm, tùy điều kiện của mỗi Tân Đồng. - Ngoài ra, còn tiến biếu các lễ khác tại các ban thờ khác nếu có: hạ ban, trần triều,...