I. NGHI THỨC TRONG ĐÁM TANG
Đám tang hay đám ma, lễ tang, tang lễ, tang ma là một trong những phong tục quan trọng của Việt Nam, bao gồm nhiều quy trình của những người đang sống thực hiện đối với người vừa chết.
Tang lễ được tổ chức khác nhau ở các dân tộc trên Việt Nam, mỗi một dân tộc có những nghi lễ tổ chức khác nhau mặc dù không nhiều nhưng đều có những bước cơ bản tương đối giống nhau ở các người Kinh cũng như các dân tộc thiểu số khác. Trong tang lễ ngày nay lại có những điểm khác so với thời kỳ từ thế kỷ 20 trở về trước.
Tang lễ Việt Nam thường được tổ chức gồm có các nghi thức:
- Nghi thức Hạ tịch
- Nghi thức Mộc dục
- Nghi thức Phạn hàm
- Nghi thức Cáo phó
- Nghi thức Khâm liệm, Nhập quan
- Nghi thức Thiết linh sàng, linh tọa
- Nghi thức Thành phục - phát tang
- Nghi thức Phúng điếu
- Nghi thức Thiên cữu - Động quan>
- Nghi thức Khiển diện - Tiễn biệt
- Nghi thức Di quan
- Nghi thức Hạ huyệt
1. Nghi thức Hạ tịch
Khi cha mẹ hấp hối thì phải khiêng ra giữa nhà để tỏ rằng cha mẹ chết một cách quang minh chính đáng. Lúc này phải đặt tên hiệu, tên thụy, còn gọi là tên cúng cơm, rồi thưa cho cha mẹ biết để sau này mỗi khi cúng giỗ, nghe con cháu khấn tên thì cha mẹ về dự lễ.
Một số nơi sử dụng một miếng lụa trắng dài đặt lên ngực để hồn người sắp chết nhập vào, rồi kết thành hình người, gọi là hồn bạch.
Khi tắt thở rồi thì tang chủ (người chủ lễ, thường là con trai trưởng) lấy một chiếc đũa để ngang hàm (ngày nay một số nơi đã bỏ nghi thức này), dùng một miếng khăn hoặc một miếng giấy phủ lên mặt để tránh ma quỷ ám hại.
Đưa người vừa mất xuống chiếu trải dưới đất 1 chốc rồi đưa lên lại, lấy nghĩa người bởi đất sinh ra thì khi chết lại về với đất (nhân sinh ư thổ, diệc hoàn ư thổ) hoặc để lấy đủ âm dương cho người chết, hoặc hy vọng rằng việc này có thể hoàn sinh khí cho người đã mất.
2. Nghi thức Mộc dục
Dùng nước thơm tắm rửa cho người mới mất, chải tóc, cắt móng tay móng chân, thay quần áo mới. Con trai tắm rửa cho cha, con gái tắm rửa cho mẹ. Người chết được mặc quần áo sang trọng hay đơn sơ tùy theo nhà giàu hay nghèo, có chức tước hay không, chết già hay chết trẻ.
Một số nơi vẫn còn lưu truyền nghi thức
chiêu hồn: Người con cầm cái áo của người chết mới thay, đi đường phía trước trèo lên mái nhà hoặc gò cao hoặc cây cao hú vía ba lần (chiêu hồn): ba hồn, bảy vía, cha đâu về với con hoặc ba hồn, chín vía mẹ đâu về với con, tỏ ý mong cha mẹ sống lại. Sau đó mang áo vừa được hú vía phủ lên xác. Đây là nghi thức theo quan niệm của Đạo giáo thì phách (hay vía) là phần tinh thần của người phải phụ vào xác mới tồn tại, khi người chết thì tan đi, còn hồn là phần tinh thần không có xác vẫn tồn tại được.
3. Nghi thức Phạn hàm
Lễ phạn hàm hay còn gọi là lễ ngậm hàm. Nghi thức Bỏ một nắm gạo và ba đồng tiền (đồng kẽm, đồng chinh) vào miệng người chết:
- Gạo để linh hồn người chết ăn, khỏi phải thành ma đói (ngạ quỷ).
- Tiền dùng để đi đò hay qua cầu sang bên kia thế giới.
Những người lúc sống ăn ở bạc ác thì lúc chết linh hồn phải qua cầu Nại Hà. Người lương thiện được qua cầu Kim Ngân. Ngày xưa nhà giàu dùng gạo và vàng, ngọc để làm lễ phạn hàm.
Từ lúc mặc quần áo đẹp cho người chết xong, con cháu không mặc đồ tốt đẹp, chải chuốt. Ngược lại, càng ăn mặc tiều tụy càng tỏ lòng hiếu thảo.
4. Nghi thức Cáo phó
Cáo phó là thông báo về tang lễ thường được đặt trước cổng tang gia hoặc gửi đến từng người thân thích. Ngày nay có thể đăng cáo phó trên các phương tiện truyền thông hoặc gọi điện thoại báo tin. Trên cáo phó phải ghi rõ tên người chết, ngày sinh và mất, và chi tiết về tang lễ như thời gian địa điểm làm lễ nhập quan và di quan...
5. Nghi thức Khâm liệm, Nhập quan
Khâm liệm là dùng vải để quấn người chết, thường thì người nhà dùng vải thường trắng (đối với gia đình khá giả dùng vải tơ lụa) may làm đại liệm, tiểu liệm. Sau khi niệm xong, những người thân đứng quanh quan tài, nâng người chết bằng 4 góc của tấm vải tạ quan và đặt vào quan tài gọi là Nhập quan, đối với thi hài nam giới thì nâng lên đặt xuống 7 lần còn đối với nữ nâng lên đặt xuống 9 lần tượng trưng cho số vía.
Nhiều gia đình khá giả vẫn giữ nghi lễ Phạt Mộc trước khi nhập quan: nghi lễ này cần phải có một thày cúng thực hiện, Một tay cầm dao, tay kia cầm bó hương, thầy cúng vừa niệm thần chú, vừa quát tháo, vừa chém vào thành áo quan để trừ ma quỷ còn ẩn nấp trong áo quan và trong những tấm ván. Phạt mộc xong, thầy phù thủy bỏ vào trong áo quan một miếng ván đục hình chòm sao bắc đẩu, gọi là ván thất tinh (bảy ngôi sao). Gia đình nghèo thì chỉ vẽ chòm sao lên một mảnh giấy.
Ván thất tinh có công dụng gì?
Theo quan niệm của Đạo giáo thì trên cõi trời có Ngọc Hoàng Thượng Đế và nhiều vị thần ngự trị. Trong số các vị thần được người đời thờ kính có Nam Tào và Bắc Đẩu, hai vị thần chuyên ghi chép và kiểm soát sổ sinh, sổ tử của loài người.
Chòm sao bắc đẩu (đại hùng tinh) tượng trưng cho thần Bắc Đẩu. Bỏ tấm ván thất tinh vào trong quan tài, người ta hi vọng rằng linh hồn người chết sẽ được vị thần giữ sổ tử che chở.
Ngoài ra, nhiều địa phương có những phong tục khác khi khâm niệm với quan niệm là bảo vệ xác người chết không bị ma quỷ xâm nhập, như bỏ thêm vào áo quan một cỗ bài tổ tôm hoặc bộ bài tây...
Sau khi xong thủ tục khâm niệm, quan tài được đậy nắp, Linh cữu được khiêng ra đặt giữa nhà, quan tài phải quay mặt ra ngoài ý niệm muốn chào những người đến thăm viếng, trên quan tài đặt 1 bát cơm úp (2 bát cơm úp thành 1), trên có cắm đôi đũa (được vót bông gai trên thân đũa) và quả trứng gà luộc gọi là cơm bông. Xưa có tục cướp cơm bông để cho trẻ ăn để phòng bệnh.
Nếu trong gia đình còn người ở bậc cao hơn người chết thì đặt linh cữu ở gian bên cạnh, đầu quay ra ngoài sân hoặc quay về hướng nam.
Bát cơm quả trứng cắm đôi đũa bông gai có ý nghĩa gì?- Chiếc đũa chữ Hán Việt là Khoái (筷 - bộ trúc) đồng âm với chữ khoái (快 - bộ tâm) có các nghĩa: sướng thích, nhanh chóng, sắc bén và lính sai đi bắt giặc cướp.
- Cái gai nhọn chữ Hán Việt là Thứ (刺 - bộ đao), thứ còn có nghĩa là đâm chết, ám sát.
- Quả trứng chữ Hán Việt là Đản (蛋 thuộc Bộ trùng) đồng âm với chữ Đản (袒 - thuộc bộ Y), có nghĩa là bảo vệ, bênh vực, che chở.
- Bát cơm được úp từ 2 bát sẽ dạng hình tròn trong Hán Việt là chữ Viên (圓 - thuộc bộ Vi) có nghĩa là chu đáo, trọn vẹn.
Như vậy, Bát Cơm có đôi đũa bông gai cắm kẹp quả trứng có ý nghĩa tượng trưng cho một lính sai bảo vệ, che trở chu đáo cho xác người quá cố để không bị ma quỷ xâm phạm (có thể hiểu đây là bùa bảo hộ không cho quỷ nhập tràng).
6. Nghi thức Thiết linh sàng, linh tọa
Linh sàng là giường của linh hồn, thường được lập ở phía đông, có quây màn và để gối như lúc sống. Thông thường những Nhà nào rộng rãi, giàu sang mới thực hiện nghi thức lập linh sàng (giường của linh hồn người chết). Ngày này, hầu như các địa phương đã bỏ nghi thức lập Linh sàng.
Linh tọa là bàn thờ đặt trước linh cữu, giữa linh tọa đặt bài vị bằng nan tre ghi họ tên hoặc ảnh người chết, 2 bên có đèn nến, trước có bát nhang, rượu và mâm ngũ quả. Đây là vong ngự và là nơi khách đến viếng thăm và dâng hương cúng vong.
Ngoài ra, một số địa phương còn giữ nghi lễ lập cành phan (thần phan) để triệu thỉnh vong nhập, trên tờ phan có ghi thông tin người mất gồm: Họ tên, ngày tháng năm sinh, hưởng thọ bao nhiêu tuổi, chết vào ngày giờ nào. Thần phan này được treo trên một cành tre và cắm ngay bên cạnh linh tọa. Cành phan này chỉ hóa sau khi đã cúng 49 ngày (cúng thất thất lai tuần).
Nội dung trên thần phan ghi những gì?
僧: tăng
吽: hồng
玉:Ngọc
女: nữ
開: khai
張: trướng
大: đại
限: hạn
於: ư
...
...
年: niên
...
...
月: nguyệt
...
...
日: nhật
牌: bài
命: mệnh
終: chung
魄: phách
倶: câu
來: lai𡙁:sảng
靈: linh
彭: bàng
琚: cư
佛: phật
奙: bổn
亞: á
吽: hồng
玄: huyền
壇: đàn
懾: nhiếp
召: triệu
新: tân
圓: viên
寂: tịch
...
...
...
正: chính
魂: hồn
來: lai
入: nhập
神: thần
幡: phan
聞: văn
經: kinh
𦘏: thính
法: pháp幽: u
精: tinh
彭: bàng
𤨏: tỏa
法: pháp
吽: hồng
金: kim
童: đồng
引: dẫn
路: lộ
元: nguyên
命: mệnh
生: sinh
於: ư
...
...
年: niên
時: thời
受: thụ
生: sinh
享: hưởng
...
...
...
嵗: tuế
三: tam
𩲉: mị
並: tịnh
至: chí台: đài
光: quang
彭: bàng
瑃: triện7. Nghi thức Thành phục - phát tang
Sau vài ba ngày, chờ con cháu ở xa về đông đủ, thì làm lễ thành phục, cũng gọi là phát tang. Gặp mùa nóng bức hoặc lúc có bệnh dịch thì phát tang sớm hơn.
Trong nghi lễ phát tang, các tang phục được đặt trên mâm và đặt trước linh tọa, sau đó đại diện trong họ (thường là người cao niên trong họ có quan hệ huyết thống gần nhất có vai về ít nhất là ngang bằng với người đã mất hoặc trưởng tộc, trưởng chi,...) đứng ra làm nghi thức phát tang.
Con cháu, họ hàng, tùy theo thứ bậc mà mặc đồ tang. Đồ tang của người vắng mặt được đặt trên linh cữu. Luật xưa quy định rõ ràng 05 hạng quần áo, mũ khăn, cùng thời hạn để tang:
- Trảm thôi (đại tang): Tang 3 năm (27 tháng), áo vải sô rất xấu, không khâu gấu.
- Tư thôi (cơ niên): Tang 1 năm có chống gậy, 1 năm không chống gậy, 5 tháng, 3 tháng; áo may vải sô gai có khâu gấu.
- Đại công: Tang 9 tháng, áo may vải to sợi.
- Tiểu công: Tang 5 tháng, áo may vải to sợi.
- Ty ma: Tang 3 tháng.
Tang phục được quy định như sau:
- Con trai: đội mũ rơm quấn bẹ chuối, áo sô gai, cầm gậy:
- Cha mất thì gậy tre, vì thân tre có từng đốt như xương cốt và còn ứng với câu "Con thương cha như đau từng khúc ruột" là biểu trưng cho tình phụ tử;
- Mẹ mất thì gậy vông được bóc vỏ đẽo nửa trên tròn, nửa đưới vuông, vì cành gỗ vông nhẵn, không có đốt, lớp gỗ nhẵn như da thịt, tròn - vuông còn là đại diện cho mẹ con (mẹ tròn - con vuông) và còn ứng với câu "Con thương mẹ như tróc thịt lọc da" là biểu tượng cho tình mẫu tử.
Bởi người xưa quan niệm: cha sinh con do khúc xương chia sẻ, mẹ sinh con do sẻ thịt chia da. - Con dâu, con gái: áo sô gai, thắt lưng bện bằng bẹ chuối, đầu chít khăn tang, áo xổ gấu hoặc không:
- cha hoặc mẹ còn, con gái chưa xuất giá: áo xổ gấu
- cha và mẹ mất, con gái đã xuất giá: áo buông gấu
- Cháu nội: đội mũ mấn, khăn trắng, mặc áo thụng trắng
- Con rể, anh em trai: mặc áo thụng trắng
- Chị, em gái: quấn vặn khăn trắng với tóc
Những thân người khác mang khăn tang quấn tròn trên đầu, với chắt mang khăn màu vàng, chít mang khăn màu đỏ, các đời sau tiếp theo thì mang khăn màu đen.
8. Nghi thức Phúng điếu
Phúng điếu là sự thăm hỏi, giúp đỡ bằng hình thức tiền bạc, nhang đèn hoặc hoa quả, liễn, văn điếu... Theo tục lệ thì khi chưa mặc tang phục thì không được tiếp khách đến phúng điếu. Khi khách phúng điếu vái lạy người chết thì tang gia phải lạy trả lễ một nửa số vái.
Ngày nay có một số gia đình không nhận tiền phúng điếu, việc này được ghi rõ trên cáo phó.
Trong những ngày quan tài còn ở trong nhà, gia chủ thường mời những ban nhạc đến thổi kèn, sáo, đánh đàn, trống (thường là bộ bát nhã còn gọi là nhạc hiếu). Ngày nay, có thêm những ban kèn tây, đàn guitar, đàn ca tài tử cải lương,.. tùy theo phong tục của từng địa phương.
9. Nghi thức Thiên cữu - Động quan
Trước hôm đưa ma thì làm lễ Thiên cữu (xê dịch linh cữu) hay còn gọi là nghi thức Động quan. Rước linh cữu sang nhà thờ tổ làm lễ yết tổ rồi đưa trở về chỗ cũ. Có nhà rước hồn bạch đi làm lễ. Không có nhà thờ tổ thì xoay linh cữu một vòng rồi lại đặt vào chỗ cũ.
10. Nghi thức Khiển diện - Tiễn biệt
Một số địa phương còn giữ nghi thức làm lễ cáo thần đạo lộ, xin phép cho đám tang bắt đầu lên đường, sau đó là nghi lễ Tiễn biệt của cộng đồng.
Đây là nghi thức mà Cộng đồng dân cư hay trưởng tộc làm nghi lễ mặc niệm, đọc điếu văn tiễn biệt người quá cố.
Sau đó nghi thức tiễn biệt, linh cữu được rồi rước lên đại dư (xe đòn) để di chuyển ra nơi an táng (nghĩa trang).
11. Nghi thức Di quan
Bắt đầu cuộc phát dẫn. Tuỳ theo đám ma to hay nhỏ, cách sắp đặt cũng như thứ tự tuần hành có đôi phần khác nhau.
Một số địa phương, Đi mở đường là hai phương tướng mặc quần áo đạo sĩ, đeo mặt nạ dữ tợn, cầm gươm xua đuổi ma quỷ. Có khi phương tướng được làm bằng giấy hoặc vẽ vào tấm mộc, cho trẻ con vác.
Tuy nhiên, ngày nay việc đi mở đường là Đại Cổ và Đại Chinh (trống to, chiêng to) gõ theo quy định của địa phương.
Tiếp theo là thể kì, Sau thể kì đến minh tinh làm bằng một tấm lụa hay vóc màu đỏ dùng để ghi chức tước, họ tên, thụy hiệu người chết. Đây là chỗ để các gia đình danh giá đua nhau dài dòng minh tinh, đem hết phẩm hàm ra khoe. Nhà nghèo thì dùng giấy điều buộc lên cành tre cho một đứa bé cầm. Ngày nay, một số địa phương đã bỏ chi tiết này.
Kế tiếp là hương án bày đồ thờ và thực án bày đồ ăn.
Rồi đến linh xa chở hồn bạch, có phường bát âm đi kèm bên. Một người cầm biển đan triệu bằng giấy viết hai chữ trung tín (忠 信) hay trinh thuận (貞 順) tuỳ theo người chết là đàn ông hay đàn bà.
Tiếp theo là cờ công bố dẫn đường cho phu khiêng đại dư (xe tang).
Nhà giàu thường che linh cữu bằng cái nhà táng trang hoàng lộng lẫy, hoặc một chiếc thuyền bát nhã bằng giấy nếu người chết là một Phật tử. Có nhà thắp thêm bảy cây nến xếp thành hình chòm sao bắc đẩu trên nắp linh cữu.
Tục ta mong muốn cho người chết được yên nghỉ, cho nên phu khiêng linh cữu, đại dư phải chú ý đi đứng nhẹ nhàng, ngay ngắn. Nhiều nhà cho đặt một chén nước đầy trên linh cữu, nếu trong suốt lúc di chuyển, khiêng vác, nước không sánh ra ngoài thì phu khiêng sẽ được thưởng tiền.
Người xưa có câu "Cha đưa mẹ đón", như vậy:
- Đám tang cha, con trai chống gậy tre theo sau quan tài, đây là lễ kính theo quan niệm thứ bậc Quân (vua), Sư (thầy), phụ (cha). Như vậy, trong gia đình người cha là trên hết. Cha chết, tất cả con cái thuộc bậc dưới phải đi sau quan tài của cha.
- Đám tang mẹ, con trai chống gậy vông đi giật lùi đằng trước quan tài, xuất phát từ tục lệ ngày xưa là "Xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử", tức là nếu có thì có mẹ đi theo con trai chứ con trai không đi theo mẹ. Do đó, để hiếu lễ với Mẫu thân, con trai tiễn mẹ đi lùi và cúi lậy, Như vậy sẽ không phạm vào các điều mà tiết lễ xưa đặt ra.
Con trai nào vắng mặt thì treo cái gậy của người ấy ở đầu đòn đại dư. Nếu có con trai nào chết trước thì con trai của người này (hoặc người được ăn lập tự) phải chống gậy thay cha.
Con gái, con dâu luôn luôn đi đằng sau linh cữu cha mẹ, dưới tấm phương du bằng vải trắng dùng để che nắng. Khi nào được hiệu lệnh thì con gái trưởng và con dâu trưởng phải vừa khóc vừa lăn đường cho tăng thêm phần thảm thiết (ngày nay, một số địa phương đã bỏ lệ này).
Các gia đình theo đạo Phật thường mời nhà sư, bà vãi đến tụng kinh, cầu nguyện cho linh hồn người chết được siêu sinh tịnh độ. Lúc đưa đám, các bà vãi đội cầu bát nhã, nhà sư gõ mõ tụng kinh, đi đằng trước linh cữu để dẫn đường linh hồn sang Tây phương cực lạc.
Dọc đường đám tang có người rắc vàng mã . Người ta tin rằng có nhiều ma quỷ theo đuổi ám hại linh hồn người chết. Phải rắc vàng mã để tống tiễn chúng mới buông tha.
Ngoài ra, một số địa phương có thêm các tục lệ khác như: Khi đưa đám ma phải đưa qua đình làng để báo cáo Thành Hoàng,...
Ngày nay đám tang được tổ chức gọn gàng. Hồn bạch, thể kì, minh tinh được thay bằng tấm ảnh chân dung người chết. Linh cữu được chở bằng xe hơi. Nhiều nghi thức bị xoá bỏ (thương vay khóc mướn, lăn đường, cờ quạt rầm rộ,...).
12. Nghi thức hạ huyệt
Tại huyệt chôn, nhiều nhà làm lễ tế thổ thần nơi đây.
Nhà có chức tước danh vọng còn làm lễ đề chữ , nghĩa là viết nốt chữ chủ còn bỏ dở. Bộ thần chủ được sửa soạn từ trước nhưng người ta chỉ viết chữ thần và ba nét ngang của chữ chủ, cố ý để thiếu nét chấm và nét sổ. Hiếu chủ mời một vị khoa bảng, có chức tước đứng ra làm lễ, cầm bút chấm và sổ cho thành chữ chủ. Thần chủ viết xong được đặt lên linh xa, rước về thờ tại nhà.
Đợi đúng giờ tốt thì hạ huyệt. Huyệt được thầy địa lí tìm phương nhắm hướng trước, lúc này chỉ xê xích linh cữu, đặt cho thật đúng.
Lấp mộ xong thì đốt nhà táng (nếu là nhà táng tự làm), minh tinh, cầu bát nhã, thuyền bát nhã và phương tướng.
Nếu người chết là Phật tử thì có nhà sư tụng kinh gõ mõ và các bà vãi cầm hương niệm Phật đi quanh mộ. Mỗi người cầm một hòn đất ném vào mộ, gọi là đi dong nhan.
Dong nhan nghĩa là gì? Các học giả không thống nhất ý kiến. Có người hiểu là tưởng nhớ đến nét mặt người chết, người khác lại hiểu là lấp mặt người chết một lần cuối.
Những ngày tiếp theo, con cháu đem trầu rượu ra thăm mộ, gọi là ấp mộ, ngụ ý làm cho người nằm dưới mộ bớt lạnh lẽo. Đến ngày thứ ba làm lễ mở cửa mả. Con cháu đắp lại ngôi mộ, mời thầy phù thủy làm lễ tịch mộ.
II. NGHI THỨC SAU ĐÁM TANG
Sau khi hạ huyệt, người Việt duy trì việc hiếu đối với người đã một thời gian, tùy theo quan hệ huyết thống của người sống với người chết.
Việc thụ tang hiếu bao gồm các nghi thức:
- Nghi thức Phục hồn
- Nghi thức Chung thất
- Nghi thức Tốt khốc - Bách nhật
- Nghi thức Tiểu tường, Đại tường, Trừ phục
- Nghi thức Cải táng
1. Nghi thức phục hồn
Tùy nơi có cách tính ba ngày khác nhau. Một số địa phương tính từ ngày mất là ngày thứ nhất. Cách này là do chỉ để người mất, quan tài tại gia một ngày đêm, nên sau ngày chôn là đến ngày thứ ba, tiến hành cúng ba ngày luôn, như vậy là hợp lý.
Một cách tính nữa, tính từ ngày chôn là ngày thứ nhất. Trường hợp này do quan tài tại gia hoặc ở nhà lạnh của bệnh viện quá ba ngày, để chờ con cháu về đông đủ.
Dân ta quan niệm rằng sau khi chôn, hồn vẫn còn phiêu diêu chưa ổn định. Mặt khác trước khi chôn, bàn thờ người chết chưa thật sự yên vị, vì bàn vong di chuyển ra nghĩa địa rồi lại đưa về. Đến ngày thứ ba mọi việc đã chu tất cho bàn thờ, mời hồn người chết về yên vị tọa lạc để con cháu phụng thờ.
Bàn thờ người mới mất để ở vị trí riêng biệt, chưa được đưa thờ chung ở bàn thờ Gia tiên. Vì người mới mất chưa được sạch sẽ. Sắp đặt bàn thờ có ảnh, bát hương và các thứ cần thiết. Tùy số lượng câu đối trướng mà treo cho hợp lý quanh bàn thờ. Phía sau bàn thờ, treo cao những bức trướng của dòng họ, tổ chức, tập thể, rồi đến trướng các gia đình thông gia, họ mạc bạn bè thân hữu. Có thể treo vây quanh tạo không gian ấm cúng cho bàn thờ.
Thủ tục cúng ba ngày phần lớn vẫn do thầy cúng làm.
Từ đây đèn hương liên tục thắp cả ngày và đêm. Bàn thờ có nước, trầu, rượu, hoa quả; vài hôm thay một lần. Hàng ngày sáng chiều đến bữa, đều cúng cơm, coi như cha mẹ, ông bà vẫn bên con cháu dùng bữa hàng ngày. Cúng cơm này không cầu kỳ, trong nhà ăn gì cúng thức ấy, chỉ một ít tượng trưng, có bát đũa đặt trong một khay nhỏ, và rượu nước, trầu cau…
Trước đây cúng ba ngày, còn là dịp để tang chủ mời bà con trong họ ngoài làng, bạn bè thân hữu gần xa đến bầy tỏ lòng cám ơn, xin đại xá cho những thiếu sót, khiếm khuyết không tránh khỏi. Sau đó là tổ chức ăn cỗ. Bây giờ tục lệ ăn cỗ ba ngày mở rộng như vậy không còn nữa. Tang chủ có mời cũng không mấy ai đi. Tang chủ cám ơn qua các phương tiện thông tin đại chúng như đài phát thanh và vô tuyến truyền hình.
Những gia đình theo Phật giáo, sau đám tang cứ bảy ngày lại làm một tuần chay, tụng kinh tại nhà hay tại chùa. Đến tuần chay thứ bảy, cũng gọi là cúng 49 ngày, thì ngừng.
2. Nghi thức Chung thất
Theo thuyết nhân sinh của Phật giáo: Khi con người trút hơi thở cuối cùng thì hồn lìa khỏi xác. Sau khi lìa xác âm hồn sẽ trải qua 7 lần phán xét, mỗi lần 7 ngày thành 49 ngày phán xét dưới điện âm ty. Sau đó vong hồn được tái sinh vào cọi khác (theo Kinh Địa), các cõi ấy là: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, a-tu-la, nhân và thiên. Gieo nhân nào gặt quả nấy, nếu khi còn sống tạo được nghiệp tốt, sống có tâm đức thì khi chết sẽ được về cảnh giới an lành. Còn ngược lại sẽ rơi vào cõi khổ, phải chịu báo ứng cho những điều xấu đã làm trên trần. Chính vì thế ngày cúng 49 ra đời để hướng các vong linh hướng về cái thiện cái tốt để được về với cõi an lành.
Như vậy, Cúng chung thất hay còn gọi là cúng 49 ngày, là một nghi lễ vô cùng quan trọng đối với người đã khuất. Đó là 1 trong những ngày đặc biệt mà người còn sống luôn muốn làm cho tròn đạo đối với người đã khuất, đồng thời cầu mong cho người chết được về cõi an lành. Nghi lễ này diễn ra vào đúng ngày 49 sau khi người chết qua đời một phần người còn sống thương xót, tưởng nhớ đến người đã khuất, một phần thiết lễ cầu siêu cho người đã khuất cầu mong được siêu thoát về với cảnh giới an lành.
3. Nghi thức Tốt khốc - Bách nhật
Nghi thức tiến cúng bách nhật hày còn gọi là tuần tốt khốc nghĩa là từ nay trở đi thôi không khóc nữa.
Như vậy,cúng 100 ngày là nghi lễ mà con cháu, thân nhân sắm sửa đồ lễ nghi tỏ lòng thương nhớ, tưởng niệm người đã khuất và báo cáo với thần linh, gia tiên và vong linh việc tiến lễ tốt khốc. Trong ngày này, người thân sẽ không khóc hay đốt vàng mã nhiều như lễ 49 ngày. Kể từ thời điểm này, việc người thân tưởng nhớ đến người quá cố sẽ được tiến hành vào các ngày giỗ (tức ngày tháng mất của các năm tiếp theo).
4. Nghi thức Tiểu tường, Đại tường, Trừ phục
Mỗi năm đến ngày mất, con cháu cúng giỗ để tưởng nhớ, Giỗ đầu gọi là tiểu tường, Giỗ năm thứ 2 làm lễ đại tường, Sau 27 tháng thì làm lễ trừ phục hay còn gọi là lễ mãn tang tức là hết hạn để tang. Một số địa phương thì giữ nghi thức sau 3 năm đủ (tức là giỗ năm thứ 3) mới làm lễ trừ phục.
Sau lễ mãn tang, các tang phục, câu đối và đồ phúng viếng người chết được đem đốt (hỏa hóa), thông thường bát hương người quá cố được rước lên cùng bát hương gia tiên.
Sau khi làm lễ trừ phục, các ngày giỗ tiếp theo gọi là giỗ thường được gia đình tổ chức hàng năm vào ngày tháng trùng với ngày tháng mất của người quá cố.
Ngày giỗ cũng là ngày người thân tề tựu thăm hỏi, cho nên một số gia đình tiến hành giỗ thường vào những ngày nghỉ, ngày lễ mà trước và gần ngày giỗ nhất. Nếu giỗ đúng ngày gọi là Húy Nhật Phục Lâm, còn giỗ trước ngày gọi là Lai Nhật Húy Lâm.
Theo tục lệ xưa, có quy định thời gian để tang của người sống có quan hệ với người đã chế như sau:
a. Quan hệ thuộc nội tộc
- Người mất là Cố ông/bà: Tang 3 tháng
- Người mất là Cụ ông/bà: Tang 5 tháng
- Người mất là Ông, bà: Tang 1 năm
- Người mất là Cha, mẹ: Tang 3 năm
- Người mất là Chồng: 3 năm
- Người mất là Vợ: 1 năm
- Người mất là Vợ kế
- Nếu có con: Tang 9 tháng;
- Nếu không có con: Tang 5 tháng
- Người mất là Chú, bác, thím: Tang 1 năm
- Người mất là Cô ruột:
- nếu Cô còn ở nhà: Tang 1 năm;
- nếu đã lấy chồng: Tang 9 tháng
- Người mất là Anh em ruột: Tang 1 năm
- Người mất là Chị em dâu: Tang 9 tháng
- Người mất là Anh em chú bác: Tang 9 tháng
- Người mất là Chị em ruột:
- Nếu còn ở nhà: tang 1 năm;
- Nếu đã lấy chồng: tang 9 tháng
- Người mất là Chị em chú bác
- Nếu Ở nhà: tang 9 tháng;
- Nếu đã lấy chồng: tang 5 tháng
- Người mất là Con trai trưởng: Tang 1 năm
- Người mất là Con dâu trưởng: Tang 1 năm
- Người mất là Con trai thứ: Tang 1 năm
- Người mất là Con dâu thứ: Tang 9 tháng
b. Quan hệ thuộc ngoại tộc
- Người mất là Cháu ngoại
- Nếu là cháu dâu hoặc cháu gái đã lấy chông: Ông bà ngoại không để tang
- Nếu là cháu gái chưa lấy chông: Ông bà ngoại để tang 3 tháng
- Người mất là Cậu, dì (anh chị em ruột với mẹ): Tang 5 tháng
- Người mất là Mợ (vợ cậu), dượng (chồng dì): Không để tang
- Người mất là Cháu (gọi người để tang bằng cậu): Cậu để tang 5 tháng
- Người mất là Cha mẹ vợ: Tang 1 năm, ngoài ra con rể không phải để tang một người nào khác bên vợ
- Người mất là Con rể: Tang 3 tháng
Ngày nay, một số địa phương, thời gian để tang ở một số quan hệ đã rút ngắn lại và thậm trí là đã được xóa bỏ.
4. Nghi thức Cải táng
Nhiều làng quê miền Bắc còn lưu giữ tục cải táng (bốc mộ), nghĩa là chôn sang khu đất mới. Lí do là vì sau vài ba năm mộ cũ bị sụt lở, ngập nước, hoặc vì chôn ở nơi xa con cháu muốn đưa về quê nhà, cũng có khi chỉ vì tin thầy địa lí, phù thủy.
Con cháu làm lễ cáo từ đường rồi khai mộ, mở nắp quan tài. Tất cả xương cốt được nhặt ra, tẩy rửa bằng nước thơm, lau khô, xếp vào một cái tiểu sành, rồi chôn sang đất khác.
Trong nghi thức cải táng bao gồm nhiều nghi lễ:
- Nghi lễ cáo vu: là nghi lễ cẩn cáo đã mất sẽ được người dương tiến hành cải táng và cáo vu gia tiên về việc sắp thực hiện
- Nghi lễ cúng thần linh nơi có mộ cũ của người quá cố để xin phép thực hiện công việc cải táng cho người quá cố
- Nghi khai quan, hạ huyệt mới cũng đều được gia chủ xem ngày giờ và thực hiện cẩn thận và tiến lễ cúng thổ thần nơi chôn mới trước khi hạ huyệt.
- Nghi lễ tạ thần linh sau khi hạ huyệt, xây cất cẩn thận.