1. Truyền thuyết về Mẫu thượng ngàn và thập nhị tiên nàng
Mẫu Thượng Ngàn là người con gái lớn của Vua Trời (vua Đế Thích), vì tính tình thẳng thắn khó bảo nên bà được cha giao cho cai quản vùng núi rừng hoang vu. Từ ngày Mẫu Thượng Ngàn về vùng núi cai quản thì người dân nơi đây đều được vụ mùa bội thu, đợt đi săn nào cũng bắt được thú lớn cả. Cũng vì thế dân trong vùng hết lòng tôn kính bà, những lời mà bà khuyên bảo đều được họ nhất mực nghe theo.
Vào thời Hùng Vương thứ IX - Hùng Định Vương (雄定王, 1331 - 1252 TCN), ngài là một vị vua anh minh, thương dân như con nào ngờ trong một lần đi săn, ông vô tình bị Mộc Tinh (còn gọi là Quỷ Xương Cuồng cũng là thần Hổ) ăn thịt, sau đó dùng phép hóa thành Hùng Vương để cai trị nước Văn Lang. Mẫu Thượng Ngàn biết chuyện này có một phần là lỗi của mình nên đã tự nguyện chịu tội. Vua Trời bèn đày nàng làm con gái Mộc Tinh (Lúc này là đã giả làm Hùng Vương) để sửa sai. Khi sinh bà ra, hoàng hậu đau quá phải vịn vào cành quế mới sinh hạ được bà nên mới đặt tên cho bà là
Quế Hoa Mỵ nương (Quế Hoa Công Chúa).
Lớn lên, Quế Hoa luôn nhớ thương mẹ nên đã đi vào rừng sâu để tìm dấu vết người mẹ hiền đã mất. Tới khu thung lũng là xã Nghĩa Phương ngày nay (gắn với sự tích Suối Mỡ - Bắc Giang), vùng đất phẳng phiu rộng rãi nhưng cây cỏ héo tàn, xơ xác do thường xuyên hạn hán, Quế Hoa nghĩ rằng phải tìm nước về cho người dân sinh sống. Sau nhiều ngày đường vất vả, công chúa bắt gặp hồ nước mênh mông, đang băn khoăn tìm cách mở đường đưa dòng nước mát về nơi khô hạn, thì được một cụ già râu tóc bạc phơ cho quyển sách luyện phép lạ cứu đời, (trong sách cúng là Thái Thượng Lão Quân) ban cho phép thuật nên đã cùng mười hai thị nữ ra sức tu tiên luyện đạo, cứu giúp dân lành.
Lúc bấy giờ đất nước Văn Lang rơi vào cảnh loạn lạc thù trong giặc ngoài do cha bà thường xuyên gây chiến với các nước làng giềng, tìm thú vui từ việc ăn thịt những kẻ chống đối mình. Chiến thanh liên miên khiến máu chảy thành sông, xương chất cao như núi, lòng dân oán hận thấu tận trời cao còn những người ra sức can ngăn nhà vua đều bị ông giết hại cả. Công chúa Quế Hoa quyết định ra tay diệt trừ kẻ gây ra cảnh đau khổ lầm than này dù rằng người đó có là cha nàng.
Trong một buổi tiệc của Hùng Vương và các Lạc tướng, Quế Hoa đã xin được cùng mười hai thị nữ đánh đàn nhảy múa góp vui cho mọi người. Điều đặc biệt là chiếc đàn của nàng chỉ có duy nhất một dây khiến mọi người xung quanh đều tò mò thích thú. Khi tiếng đàn của công chúa vừa cất lên thì ai nấy đều cảm thấy thư thái, mọi âu lo đều bị quên lãng, thời gian trôi qua nhanh lúc nào không hay. Tới đêm thứ ba khi tiếng đàn vừa dứt thì Hùng Vương đã hiện nguyên hình thành một Con Hổ khiến mọi người hoảng loạn bỏ chạy. Mộc Tinh liền xông về phía Quế Hoa định ăn thịt nàng nhưng lần này nó đã dừng lại ngay trước mặt nàng vì dù hổ dữ cũng không thể ăn thịt con mình. Công chúa làm phép hóa dây đàn thành một sợi xích lớn buộc quanh cổ con hổ rồi dẫn nó theo mình.
Từ đó về sau Quế Hoa dạy người dân cách trồng trọt, làm nương rẫy, xây nhà, chăn nuôi và săn bắt thú dữ, còn mười hai thị nữ của bà thì trở thành các bà mụ chăm lo việc sanh đẻ của người dân để không ai phải chịu nỗi đau mất mẹ vì sanh khó giống như mẹ bà nữa. Riêng Con Hổ bà mang theo bên mình thì được bà dùng để trừng phạt lũ tội phạm gian ác đã làm hại dân lành. Khi nhân dân các bản mường đã có cuộc sống no ấm, Mỵ Nương Quế Hoa cùng 12 thị nữ bay về trời trên đám mây ngũ sắc. Từ đó về sau bà được người dân tôn thờ làm
Bà Chúa Thượng Ngàn cai quản vùng rừng núi còn mười hai thị nữ trở thành Mười hai Bà Mụ cai quản việc sanh đẻ của trần gian.
Vào thời cổ đại, Hùng Vương Trị vì nước Văn Lang là Người Lạc Việt hay còn gọi là người Việt Mường. Người Việt Mường đông đúc tả ngạn sông Đà và ở xen kẽ với người Tày cổ ở hai bờ sông Thao, sông Lô. Người ta còn thấy nhiều dấu tích của người Việt Mường như các miếu Mường ở Thanh Ba và các địa danh còn gọi là động. Sau đó, một bộ phận người Việt Cổ thuộc hai nhóm ngữ hệ Việt - Mường và Tày Thái thiên di chỉ về khai khẩn vùng Trung Châu, do tiếp biến văn hóa mà thành người Kinh xuất hiện sau khi An Dương Vương thống nhất .
Như vậy,
Mẫu Thượng Ngàn là Quế Hoa Công chúa thuộc Người Mường.
2. Truyền thuyết Mẫu thượng ngàn giáng trần lần thứ 2
Sau đây là các trích đoạn và phân tích thân thế, lịch sử, để có kết luật về Mẫu Thượng Ngàn gián sinh lần 2.
2.1. Điển tích 1. Theo "Kiến Văn Tiểu Lục" của Cụ Lê Quý Đôn
Trong "Kiến Văn Tiểu Lục" quyển X mục “Linh tích” thời hậu Lê, cụ Lê Quý Đôn viết:
“Văn Châu, một người thuyền hộ xã Kính Chủ, huyện Thanh Ba (nay thuộc địa phận Lâm Thao- Phú Thọ) là học trò Hiệu như Nguyễn Đình Kính. Giữa niên hiệu Bảo Thái (vua Lê Dụ Tông) (1720 – 1729) đi buôn ở Đông Quang (nay thuộc huyện Văn Yên tỉnh Yên Bái) bến sông này có miếu thờ Đông Quang Công Chúa vẫn nổi tiếng anh linh. Tục truyền Công Chúa là vợ Đại vương miếu Ngọc Tháp huyện Sơn Vi (sau đổi là huyện Lâm Thao).
Một hôm trời đã tối, Văn Châu thấy một người từ trong miếu Đông Quang đi ra đến chỗ thuyền đỗ, gọi tên mình và bảo rằng: “Khi thuyền nhà ngươi trở về qua
miếu Ngọc Tháp, phiền nhà ngươi nói giúp là kính tạ Đại vương, Chúa bà đã sinh con trai rồi, gửi lời về báo để đại vương biết”. Nói xong liền biến mất. Đường thuỷ mà thuyền buồm đi từ Đông Quang đến Ngọc Tháp phải ba, bốn ngày, thế mà ngày hôm ấy, Văn Châu bắt đầu đi từ sáng sớm mà đến giờ Thân đã tới Ngọc Tháp (chỗ này núi đá mọc nhô ra bến sông như hình ruột ốc, miếu ở trên núi, bên cạnh miếu có chùa Lăng Nghiêm) Văn Châu theo lời thầy dặn, đứng ở đầu thuyền nói lại rồi đi”.
Trong Kiến văn tiểu lục cũng có đoạn viết: "Ngôi miếu này thờ Đông Quang công chúa nổi tiếng anh linh, giúp dân lập bản lập mường, dạy dân bách nghệ, chữa bệnh, cứu đói. Vào đời vua Lê Thái Tổ, bà được phong là Lê Mại Đại Vương, sau khi bà phù hộ cho vua Lê đánh tan giặc."
2.2. Điển tích 2. Miếu Ngọc Tháp
Miếu Ngọc Tháp nay là cụm di tích Đình, chùa làng Ngọc Tháp, đình Ngọc Tháp ở bên bờ sông Thao, xã Hà Thạch, thị xã Phú Thọ xưa kia có tên là Kẻ Thiệc thuộc bộ Văn Lang thời Hùng Vương. Xã Hà Thạch trước thuộc Lâm Thao đến Ngày 1 tháng 4 năm 2003, chuyển xã Hà Thạch về thị xã Phú Thọ quản lý. Như vậy, xã Hà Thạch vẫn thuộc vào Huyện Sơn Vi ngày xưa.
Tại Đình Ngọc Tháp thờ
Thần Ghềnh Linh Uyên đại vương, người đã phù trợ Vua Hùng Duệ Vương (Hùng Vương thứ 18) đánh tan quân Thục (thế kỷ III TCN).
Về lịch sử vị thần được thờ ở đình Ngọc Tháp, trong cuốn Tạp chí “Văn hoá dân gian vùng đất Tổ” còn viết rõ rằng:
“Thần ghềnh Ngọc Tháp là Thủy thần Long Uyên hoàng tử, con của nữ thần thác Đông Cuông (huyện Trấn Yên - Yên Bái)” đã có công phù giúp Nguyễn Cận - một hình tượng anh hùng chống giặc ngoại xâm đánh tan giặc Ân (thời Hùng Vương thứ 6). Sau khi giặc tan, Nguyễn Cận đã xin vua cho lập một miếu thờ thuỷ thần Long Uyên tại gò Ngọc Tháp”.
Thần tích về Thần Ghềnh Linh Uyên đại vươngXưa, trong đời họ Hồng Bàng nước ta, Lạc Long Quân lấy bà Âu Cơ tiên nữ, sinh được 100 trứng, nở ra 100 người con, 50 người theo mẹ lên núi lập ra nước Văn Lang, cha truyền con nối, đời đời lấy chữ “Sơn” làm hiệu; 50 người theo cha xuống biển, ai nấy chia nhau làm chúa tể cai trị các phương ở vùng Sông Thao... Vương Thái Phi vốn chỉ quen ăn chay và hoa quả. Một hôm trời xuân trong sáng, vạn cảnh êm hoà, Thái Phi lên núi chơi, tìm hoa, hái thuốc, đến ngọn núi Trung Hoàng bỗng nhiên đẻ rơi một bọc 5 trứng. Các bô lão trong thôn trang lượm được đem về luộc ăn. Quá nửa ngày mà lửa càng to, nước trong nồi càng lạnh. Mọi người lấy làm kinh dị, bèn đem 5 quả trứng xếp vào chõ nước đặt trước cửa đình. Ba ngày sau, 5 quả trứng nở ra 5 con rắn. Trai gái trong ấp kéo đến xem đông chật, cùng nhau xin với các bô lão rước đi, mang thả xuống vực sâu xứ đầm Trung. Năm con rắn từ khi được thả vào chỗ thích hợp, ngày một lớn nhanh. Mỗi khi các bô lão vào núi hái củi qua đầm, vẫn thường thanh thản ngồi rửa mặt, rửa chân tay. Vì cảm ơn cứu mạng, 5 con rắn thường nổi lên uốn lượn quấn quít quanh người. Chẳng dè một hôm, có một bô lão vung cây điền đao lên nhỡ tay làm cụt đuôi một con trong đó. Anh em nhà rắn bèn xúm nhau than khóc mà nói rằng:
“Chúng tôi thuộc dòng giống rồng, đều là quân chủ một phương. Nay sự tình đến nỗi này làm sao có thể quần tụ nhau ở đây mãi được”. Sau đó, con thứ nhất và con thứ hai bỏ về vùng sông Thao, con thứ ba và con thứ năm bỏ về sông Lô, còn con thứ tư bị mất đuôi thì ở lại trong vực để báo đền ơn xưa của các bô lão.
2.3. Điển tích 3. Giai thoại của hai xã Đông Cuông và Ngòi A
Ở xóm Đá Ôm, thôn Đồng Dẹt, xã Đông Cuông có một giếng nước sâu trong vắt. Giếng ở chân gò, nơi chúa họ Cầm ở (tù trưởng bộ tộc Tày). Một hôm, con gái tù trưởng là Cầm Thị Lả (Cầm Thị Lê) ra giếng gội đầu. Lỡ tay đánh rơi lược xuống giếng, nàng vội nhào theo vớt lược. Lược chẳng thấy chỉ thấy đáy giếng lộ ra một con đường rộng, sâu hút. Nàng theo đường ấy, đi mãi đến Thuỷ Cung rồi gặp Long Vương lấy làm chồng và sinh hạ được một con trai. Nhớ nhà, nàng bế con trở lại dương thế và hứa với Long Vương hàng năm sẽ xuống thăm chồng một lần và chỉ đi một mình không đem con đi cùng. Giếng Đồng Dẹt trở thành giếng thần. Tháng Giêng ngày mão, xã chọn thanh niên chưa vợ đi tát sạch giếng để lọc lấy nước trong thanh khiết cúng lễ.
Hiện nay vẫn còn lưu truyền tục rước hai mẹ con đi thăm Miếu Đức Ông Gềnh Ngai (Ghềnh Ngai - thuộc xã Tân Hợp, Văn Yên), đến bờ sông thì kiệu mẹ xuống bè (hoặc thuyền) sang sông thăm Đức ông Ghềnh Ngai, còn kiệu của con thì ở lại bờ.
2.4. Điển tích 4. Theo giai thoại của Mẫu giáng lần 2
Lần thứ 2 bà giáng sinh vào cửa nhà họ Cao, một người tù trưởng trên đất Yên Bái. Sau đó nhiều lần bà hiển linh, dạy dân trồng trọt, làm ăn, lên rẫy làm nương, đi rừng, làm ruộng bậc thang nên được nhân dân suy tôn là:
Bạch Anh Trưởng Quản Sơn Lâm Công Chúa.
2.5. Điển tích 5. Theo gia phả dòng mo họ Hà
Thần Tích của dòng mo họ Hà coi việc giữ đền và tế tự chép:
“Đông Quang Công Chúa là Lê Thị Kiểm. Bà là vợ ông Hà Văn Thiên, người Tày Đông Cuông được triều đình giao cai quản vùng Đông Cuông và ngoại vi. Ông Thiên, hậu duệ của Hà Đặc, Hà Bổng (Trại chủ Quy Hoá) bị hy sinh trong chiến tranh chống quân Nguyên. Ông bà sinh hạ được một con trai. Khi Ông tạ thế, bà Kiểm và con trai ở lại Đồng Cuông rồi mất tại đấy. Dân lập miếu thờ ông bên Ghềnh Ngai (hữu ngạn sông Hồng) và thờ hai mẹ con bà bên tả ngạn, đối diện với miếu”.
2.6. Phân tích các Điển tích và Kết luận
Dựa trên các Điển tích trên, ta xâu chuỗi các vấn đề có thể kết luận như sau:
a. Kết luật 1- Ông Ghềnh ngai được thờ ở miếu ghềnh ngai là Thủy Thần là một trong 5 ông rắn mà đã nói ở Điển tích 2, ông đã giúp cho Nguyễn Cẩn thắng giặc Ân, sau đó đã lập miếu thờ ông tại Miếu Ngọc Tháp. Như vậy Ngôi miếu này có từ thời Hùng Vương thứ 6, trong khi đó Điển tích của Mẫu Thượng Ngàn giáng xuống trần lần 1 là thời Vua Hừng Vương thứ 9, lại có tục rước kiệu mẹ và con thăm đức Ông Ghềnh Ngai theo Điển tích 3, như vậy có thể khẳng định: Lịch sử vị thần được thờ ở đình Ngọc Tháp ghi là ông Ghềnh Ngai là con của chúa Thác Đông Cuông là có sự nhầm lẫn, mà Ông chính là Chồng của Chúa Thác Đông Cuông. Ông xuất hiện trước khi Mẫu thượng ngàn giáng trần lần 1.
- Điển tích 3 có nhắc đến "Long Vương" phù hợp Điển tích 2 có nhắc đến "dòng giống rồng"
- Theo Điển tích 1 của cụ Lê Quý Đôn thì có nói đến việc báo với "ĐẠI VƯƠNG", trong khi đó:
- thời nhà Trần, ông Hà Bổng không có tước hiệu Vương
- Miếu Ngọc Tháp đã thờ "Thần Ghềnh Linh Uyên đại vương" từ thời vua Hùng Vương thứ 6
- Phân tích thêm về chữ hán của họ Cao và họ Cầm theo nét chữ cổ (xem hình) 2 dòng họ này đều khẳng định là ở trên đất Yên Bái:
- Trên Đất Đông Cuông Yên Bái thời nhà Trần trở về trước chủ yếu là dân tộc sinh sông, việc mang tên Họ cao là rất thấp
- Nhìn về nét chữ hán cổ của chữ 高 (cao) và chữ 禽 (cầm) nếu để thời gian lâu ngày, có thể các nét chữ của chữ cầm bị nhòe mất nét dẫn đến dịch sai Cầm thành Cao. Theo ý cá nhân của tác giả thì Điển tích 4 trùng với Điển tích 3, nhưng do bút tích lâu ngày mờ hoặc mất nét dẫn đến việc dịch nhầm họ Cầm là họ Cao.
- Phải chăng có sự trùng nhau về "Cầm thị Lê" và "Lê thị Kiểm". Chúng ta cùng phân tích:
- Hán Việt và chữ Nôm viết theo chiều Ngang (Hoành thư) thì có cách viết khác nhau: Hán Việt thì viết từ Phải Sang Trái (犁 氏 禽), còn chữ Nôm thì lại viết theo chiều từ Trái Sang Phải (禽 氏 犁). Như vậy, có thể đây là nguyên nhân dẫn đến việc hiểu lầm giữa họ thành tên và tên thành họ. Cho nên theo tác giả, "Cẩm Thị Lê" đã bị đọc ngược lại "Lê Thị Cẩm" do sự nhần lẫn về cách viết và các đọc.
- chữ Cầm (捦 - giản thể của chữ 擒) và chữ Kiểm (检 - giản thể của chữ 檢) phát âm lớ lớ giống nhau, hai chữ có nối viết giản thể tương tự nhau, nếu theo thời gian mà mất nét thì cũng rất dễ nhầm lẫn. Vì vậy, tác giả đặt ra nghi vấn phải chăng cũng là một sự nhầm lẫn trong khi đọc - viết.
- Ông Hà văn Thiên là Tộc trưởng người Tày được nhà Trần giao cho việc cai quản khu vực Đông Quang, về nguyên tắc thì hiếm khi tộc trưởng lấy vợ ngoài bộ tộc, trong khi đó Họ Lê thì có vẻ không phù hợp với dân tộc Tày.
Nếu đây là một sự nhầm Lẫn, thì có lẽ Điển tích 5 là nối tiếp của Điền tích 4.
b. Kết luận 2:
Như vậy, Điển tích 1, 2, 3 và giai thoại của 2 tỉnh (Phú Thọ và Yên Bái) đã khớp nhau thì ta có thể kết luận, Chúa bà Đông Cuông giáng sinh vào nhà tù trưởng họ Cẩm theo Điển tích 3 là hợp logic.
Theo Điển tích 1 của cụ Lê Quý Đôn thì miếu Đông Quang công chúa đã có rồi, người đi buôn là gặp được thần báo là vào thời kỳ niên hiệu Bảo Thái chứ không phải là thời điểm đó ngài mới sinh. Trong ý câu này có thể truyền đạt 2 ý:
- Báo cho nhân gian biết bà là Bà Chúa Đông Cuông
- Chúa Bà đã sinh một cậu con trai theo giai thoại gặp "Thần Ghềnh Linh Uyên đại vương"
Ông Hà Văn Thiên hy sinh trong trận chống quân Nguyên Mông được thờ bên đền Ghềnh (hữu ngạn sông Hồng), bà ở lại cùng con trai, khi hai mẹ con bà mất đi vì sự linh ứng giúp nhân dân và quân đội sau này đã được họ Hà và nhân dân rước vào đền Đông Cuông thờ.
2.7. Điển tích 6. Theo Đại Nam nhất thống chí
Sơ khởi là Miếu Đông Quang thờ Cao Quan Đại Vương người Tày Khao, huý là Thổ Lệnh và ông Thạch Khanh, đã có công chu du thiên hạ, tìm phương thuốc quí để chữa bệnh cho nhân dân. Đến khi mất lại rất linh ứng, ngầm theo để giúp các vị tướng lĩnh đánh giặc ngoại xâm bảo vệ biên cương, được nhân dân suy tôn, vua gia phong là “Thần vệ quốc” và đã hoá thân thành Mẫu Thượng Ngàn, là người mẹ của núi rừng. Năm 1258, nghĩa quân của tướng Hà Đặc sau khi thắng trận đã tập kết quân tại đền Đông Cuông và tổ chức mổ trâu khao quân.
Như vậy, có thể đây là khởi nguồn của tục mổ trâu tế Thần Khao quân.
Kết luận:
Như vậy, Mẫu giáng lần 2 tại khu vực Đông Cuông và thời kỳ chống quân Nguyên Mông (1258 - 1288), được suy tôn
Bạch Anh Trưởng Quản Sơn Lâm Công Chúa. Nhân dân suy tôn là
Lâm Cung Thánh Mẫu được thờ ở
Đền Đông Quang (Đền Đông Cuông) - Yên Bái. Nếu theo thần tích đã được phân tích ở trên thì Mẫu Đông Cuông là người Tày không phải người Mường như nhiều người vẫn nghĩ! Như vậy, Mẫu Thượng Ngàn giáng tại Đông Cuông lần 2 thường gọi là
Chúa bà Đông Cuông có thể hiểu là
Chầu Đề Nhị Thượng Ngàn trong tín ngưỡng thờ Tứ Phủ, là hiển thân của Mẫu Thượng Ngàn (thuộc người Mường).
Trường hợp về giả thiết về sự nhầm lẫn tên "Lê Thị Kiểm" và "Cẩm Thị Lê" là không đúng thì ta cũng có thể xác định được niên đại giáng trần lần 2 của Mẫu phải Trước thời kỳ Lê Lợi chống quân Minh (1418–1427).
3. Giai thoại giúp vua Lê Lợi Chống giặc Minh
Một truyền thuyết cho rằng hồi đầu thời kỳ khởi nghĩa Lam Sơn (1418–1427), lúc ấy lực lượng nghĩa quân còn yếu, đang đồn trú ở Phản Ấm thì quân Minh kéo đến bao vây. Nghĩa quân người ít chống cự không nổi, phải tan tác mỗi người mỗi nơi. Trong đêm tối, công chúa Thượng Ngàn đã hóa phép thành bó đuốc lớn, soi đường cho quân sĩ, tập hợp và dẫn dắt họ đi vào đất Mường Yên. Ánh đuốc thiêng của bà, chỉ quân sĩ của Lê Lợi biết được, còn quân Minh không thể nào nhìn thấy.
Ở Chí Linh, nghĩa quân vừa sản xuất, vừa tập luyện và tập hợp, phát triển thêm lực lượng. Thật gian khổ, lắm phen không còn lương thực, phải lấy củ nâu củ mài thay cơm, nhưng nhờ sự che chở của công chúa Thượng Ngàn, quân đội của Lê Lợi vẫn ngày một thêm lớn mạnh. Quân Minh nhiều lần đến bao vây cũng đành phải chịu rút về. Từ Chí Linh, quân Lê Lợi tiến vào giải phóng Nghệ An, Thuận Hóa. Sau đó, với những trận thắng oanh liệt ở Tốt Động, Chúc Động, Chi Lăng và cuối cùng, bao vây quân Minh ở Đông Quan để kết thúc cuộc chiến, lập lại hòa bình cho nước Việt.
Sau khi lập lại hòa bình, nhớ ơn phù giúp của Thánh Mẫu Thượng Ngàn, vua Lê Thái Tổ (Vua Lê Lợi) đã sắc phong Mẫu Thượng Ngàn là
Lê Mại Đại Vương (黎邁大王) (chữ Lê - lấy họ của Vua, chữ Mại ở đây có nghĩa là Hơn, Vượt qua)
4. Phong tục tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng Ngàn
Phong tục tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng Ngàn đã tồn tài từ rất lâu đời, ít nhất vào thời kỳ Hùng vương thứ 9, khi đó các tên gọi đơn giản - Cha trời, mẹ núi rừng (chưa có khái niệm sơn trang) đến thời kỳ mẫu giáng lần 2 thì chính thức mới có lịch sử rõ ràng không còn là tôn thờ mẹ núi rừng chung chung nữa. Đến giai đoạn này, thể nói đây chính là cái nôi của tục thờ mẫu thượng ngàn.
Mẫu Thượng Ngàn được suy tôn là Lâm Cung Thánh Mẫu sắc phong Lê Mại Đại Vương hiệu Bạch Anh Trưởng Quản Sơn Lâm Công Chúa
Chúa Đông Cuông là Chầu Đệ Nhị Thượng Ngàn
Các nơi thờ chính là:
- Đền Đông Cuông - xã đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, nơi giáng lần 2 và rõ ràng nhất, mẫu anh linh giúp dân và giúp nhiều triều đại chống giặc ngoại xâm.
- Đền Suối Mỡ - xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, nơi mẫu tu Tiên Đạo.
- Đền Bắc Lệ - xã Bắc Lệ, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn, nơi gắn liền với sự hiển linh của Mẫu gắn liền với chiến thắng của Vua Lê Lợi chống giặc Minh.
Trong Thanh sơn nhất phái (tam tòa sơn trang), Mẫu được xêp vào ngôi thứ nhất là:
Thanh Sơn Chính Phái Đệ Nhất Thượng Ngàn, sắc phong Lê Mại Đại Vương, hiệu viết Bạch Anh Quản Trưởng Sơn Lâm Công Chúa.
Với hiệu người Mường thì còn gọi là
Đệ Nhất chúa Mường Thượng Ngàn Thánh Mẫu, sắc phong Lê Mại Đại Vương, hiệu viết Bạch Anh Quản Trưởng Sơn Lâm Công Chúa.
Ghi chú thêm:
Trong sách cúng cổ có câu: "Thỉnh Thượng Ngàn Thánh Mẫu Lễ Mại Đại Vương Bạch Anh trưởng Quản Sơn Lâm Công chúa, Hữu Diệu Tín Thiền Sư, Tả Diệu Nghĩa Tàng Hình". Như vậy, đây là 3 người khác nhau cai quản đất sơn lâm sơn trang không phải một như nhiều người đang lầm tưởng. trong các bài viết sau Linh Thông sẽ phân tích từng Thánh vị để làm sáng tỏ vấn đề.