1. Điển tích 1. Sơn tinh nhận mẹ nuôi, học phép thuật
Theo Hùng Vương ngọc phả, thì thời Hùng Vương thứ 18 - Hùng Duệ Vương(khoảng trước năm 304 TCN), ở động Lăng Sương, huyện Thanh Xuyên, phủ Gia Hưng, đạo Sơn Tây, có gia đình giàu sang phú quý chỉ có hai anh em trai là Nguyễn Cao Hạnh và Nguyễn Công đã ngoài ngũ tuần đều chẳng có con. Nghĩ phận bất hiếu vì không có con cháu nối dõi tông đường, hai anh em đem hết của cải tài sản gia tiên để lại phát cho người nghèo. Phân phát cứu bần suốt mấy năm trời mới hết gia sản.
Một hôm, hai anh em du xuân trên núi Tản Lĩnh, thì gặp ông lão vừa đi vừa hát, có mấy đứa trẻ theo sau. Trông thấy dáng vẻ ông lão kỳ lạ, đẹp như tiên, hai anh em liền chạy đến vái tạ: “Nhà tôi đức mỏng, nên hai anh em tuổi đã cao mà chưa có con, muốn xin tiên ông rộng lòng giúp đỡ…”.
Ông lão nghe xong cười bảo: “Ta chẳng phải tiên thánh gì cả, mà chỉ là người, một đời nhàn nhã, thoát nghiệp tam sinh, ngóng trông phong thủy, các nơi quan lại, xem việc phúc thiện của đời. Ta vừa xem thấy một thế đất ở trên núi Thu Tinh. Nếu được đất ấy, không quá một trăm ngày sẽ sinh một thánh, hai thần. Anh em nhà ngươi nên về thu thập phần mộ của tổ tiên mà mai táng vào đó”.
Hai anh em làm theo lời Ông lão, nhờ Ông lão lập hướng, chỉ đạo việc chôn cất mộ cha tại nơi Ông lão chỉ ở trên núi Thu Tinh. Xong xuôi, ngoảnh lại, thì chẳng thấy ông lão và mấy đứa trẻ đâu nữa. Hai anh em mới biết là sơn thần, lập đàn bái tạ. Càng gắng sức làm việc công đức. Quả 100 ngày sau, cả hai bà đều mang thai. Đúng ngày rằm tháng giêng năm Đinh Tỵ (tức năm 304 TCN), tròn 12 tháng, Bà Đinh Thị Đen vợ Ông Nguyễn Cao Hạnh trở dạ sinh một con trai khôi ngô tuấn tú, phong thái thần tiên, khác hẳn người thường, sau đó đặt tên là Nguyễn Tuấn (Tuấn Công), Vợ người em sinh đôi được 2 con trai, đặt tên là Sùng Công và Hiển Công.
Năm 6 tuổi Nguyễn Tuấn mồ côi cha, hai mẹ con rời sang xóm Cốc ở núi Tản Viên, phía bên kia sông Đà sinh sống. Ở đó Nguyễn Tuấn đã được
thần núi Ma Thị Cao Sơn nhận làm con nuôi. Hai mẹ con Nguyễn Tuấn ở núi Tản Viên được 3 năm thì lại trở về sống ở động Lăng Sương, đến năm Nguyễn Tuấn lên 12 thì bà Đinh Thị Đen cũng qua đời.
Thần núi Ma thị Cao Sơn là con thần núi Tản Viên, từ khi nhận Nguyễn Tuấn là con nuôi, bà đã truyền thụ các chú thuật và phép
thiền định, Binh pháp, y pháp và các nghề thủ công, đặc biệt là việc trị thủy, trồng lúa nước và nuôi tằm dệt lụa. Trải qua 6 năm học tập chuyên cần, Nguyễn Tuấn đã học được hết các phép thuật mà mẹ nuôi truyền thụ.
Một hôm, Nguyễn Tuấn lên núi đốn củi gặp thần Thái Bạch, thấy cậu bé khôi ngô, tuấn tú, phong thái thần tiên, thần đã trao cho cây gậy thần và dạy câu thần chú để cứu đời. Sau này chàng có công cứu con Long Vương thoát chết và được Long Vương đền ơn biếu cuốn sách có thể hiểu mọi lẽ huyền vi của trời đất.
Hiện nay ở các cung điện cũ của thần Tản Viên đều có nhắc đến 2 bảo vật gậy thần sách ước trên. Câu đối ở đền Và (Đông Cung) ở thôn Vân Già, Sơn Tây:
Tiên trượng ước thư truyền dật sử
Đông cung Tây trấn ngật linh từ.
Dịch là:
Gậy thần sách ước dã sử truyền
Cung Đông trấn Tây đền linh tỏ
Biết chàng là người có tài đức, có hiếu, trước khi qua đời, mẹ nuôi Ma Thị Cao Sơn đã trao cho Nguyễn Tuấn cai quản muôn vật ở núi Tản Viên.
Từ khi có gậy thần và sách ước và học được phép thuật mà mẹ nuôi truyên thụ, Nguyễn Tuấn xưng là Thần Sư, dạy dỗ dân chúng, chữa bệnh dạy học cho dân, thường hay dùng gậy và sách ước giúp dân và được nhân dân hết sức kính trọng và yêu quý.
Hiện tại, trong cung đền Lăng Sương, đền Và và một số đền khác như khu vực miền Bắc vẫn thờ bà
Ma thị Cao Sơn thần nữ với vai trò là mẹ nuôi của Đức Tản Viên Sơn Thánh.
2. Điển tích 2. Sơn tinh lấy công chúa Ngọc Hoa và sinh La Bình Công Chúa
Khi Vua Hùng Duệ Vương kén rể cho công chúa Ngọc Hoa Mị Nương (Ngọc Hoa công chúa), nhờ có sách quý Nguyễn Tuấn đã tìm thấy những lễ vật mà Hùng Vương đưa ra và cưới được Ngọc Hoa công chúa làm vợ. Ông góp công rất nhiều cho vua Hùng Vương về trị thủy, dạy dân trồng lúa nước, dệt tơ, đánh cá, săn bắn thú dữ, chăn nuôi gia súc, sản xuất nông nghiệp.
Sau này, Nguyễn Tuấn được Vua Hùng nhường ngôi, nhưng ông từ chối và xin vua cha cho đi du ngoạn khắp nơi giúp dân. (Theo ngọc phả thì Nguyễn Tuấn được Hùng Vương truyền ngôi vua. Nhưng đến năm Bính Thìn thì ngài nhường ngôi cho Thục Phán An Dương Vương để lập ra nước Âu Lạc.)
Khi du ngoạn qua vùng Tam Hồng, thấy cảnh sơn thủy hữu tình, hai vợ chồng Ông đã dừng chân, sinh sống và dạy dân trông lúa nước, đánh bắt cá. Ngoài ra, Ông còn sử dụng gậy thần và sách ước để cứu chữa bệnh cho người nghèo khổ. Sau này, để nhớ ơn công đức của Ông, nhân dân đã lập đền Bắc Cung (một tron tứ Cung thờ Tản Viên sơn thánh) nay thuộc xã Tam Hồng huyện Yên Lạc tỉnh Vĩnh Phúc.
Ông Bà sinh hạ được một người con gái đặt tên là La Bình, khi còn trẻ, La Bình là một cô gái đức hạnh, lại tài sắc vẹn toàn. La Bình thường được cha cho đi cùng, đến khắp mọi nơi, từ miền núi non hang động đến miền trung du đồi bãi trập trùng trong địa hạt mà Tản Viên Sơn Thánh cai quản. Nhờ đó mà La Bình học hỏi được rất nhiều từ cha.
Vốn thông minh sáng dạ, được cha truyền thụ phép thuật, lại chăm chỉ thực hành nên việc gì La Bình cũng biết, cũng giỏi. La Bình luôn tỏ ra là một người đầy bản lĩnh, biết tự chủ trong giao tiếp, lại cũng biết thành thạo trong mọi công việc.
Nhờ tài trí của mình mà các sơn thần, tù trưởng đặc biệt quý trọng nàng, coi nàng là người đại diện xứng đáng của Sơn Thánh. Còn bản thân nàng, chẳng những hòa hợp, ân cần với mọi người, mà còn rất thân thuộc, quyến luyến với phong cảnh, từ cây cỏ hoa lá đến hươu nai chim chóc...
Trước khi Sơn Tinh và Ngọc Hoa Công chúa được Ngọc Hoàng triệu về Trời, Đức Tản Viên Sơn Thánh giao lại công việc cai quản các miền trung du núi đồi mà Ngài cai quản cho La Bình Công Chúa.
3. Phân tích và kết luận
Phân tích 1: Với Điển tích 1, ta có một số phân tích về Mẫu Ma Thị Cao Sơn như sau:
- Bà Ma Thị Cao Sơn là nữ thần, hay nói cách khác bà là Ma thị Cao Sơn Thần Nữ
- Bà là nữ thần núi hay nói cách khác là Nữ thần của sơn trang (miền núi) - đây là một phần không thể tách rời của Thượng Ngàn.
- Bà là Mẹ nuôi (nghĩa mẫu) của Đức Tản Viên Sơn Thánh, như vậy La Bình Công chúa phải gọi bà là Nghĩa Tổ Mẫu.
- Bà là mẹ của Đức Tản Viên Sơn Thánh, người có công nuôi dưỡng, truyền thụ phép thuật cho Tản Viên Sơn Thánh, sau này Ngài giúp nước, giúp dân nên được nhân dân suy tôn là Mẫu hợp lẽ thường tình.
- Bà là con gái của thần núi, Bà tu tiên theo cha là chuyện rõ ràng
- Thiền Sư - nghĩa là người đắc đạo trong thiền định, mà thiền định cũng là phép thuật mà Bà truyền cho Đức Tản Viên Sơn Thánh. Nghĩa là Bà cũng là một Thiền Sư đắc đạo thành thần, vậy việc xưng hiệu hay suy tôn hoặc sắc phong Diệu Tín Thiền Sư là hợp với lẽ thường tình.
Không có chuyện Mẫu tu theo Đạo Phật, bởi vì Đạo phật xuất phát từ Ấn Độ và được truyền bá ra ngoài lãnh thổ Ấn Độ và thời trị vì của A-dục vương (từ năm 273 đến 232 trước CN). Như vậy thời kỳ này là sau cả thời kỳ của Đức Tản Viên Sơn Thánh xuất hiện còn chưa nói đến việc đạo Phật vào Việt Nam mãi sau này là vào khoảng thế kỉ thứ ba đến thế kỉ thứ hai trước CN.
Như vậy, Mẫu Ma Thị Cao Sơn chính là Mẫu Sơn trang như ngày nay được biết đến với cái tên là
Cao Sơn Thần Nữ. Không nên hiểu nhầm Bà là Mẫu Thượng Ngàn, vì quyền cai quản của Bà không như lớn như Mẫu Thượng Ngàn. Vì sự hiểu nhầm hoặc cố tình mập mờ khái nhiệm này mà nhiều ngôi vị trong tín ngưỡng bị hiểu sai, suy luận thần tích không đúng, thậm chí còn sáng tác thần tích như một câu chuyện kể làm mất đi nguồn gốc của Tín Ngưỡng Việt Nam có tính chất gắn liền với Lịch sử thờ các Công Thần dựng nước, giữ nước, và có công với nhân dân.
Một số tích cho rằng Mẹ nuôi của Tản Viên Sơn Thánh là Mẫu thượng ngàn, ở đây có thể là có sự hiểu nhầm hoặc là sự nhập nhèm về khái niệm bởi họ chỉ đúng 1 phần là Mẫu là Mẫu Sơn Trang - một phần nhỏ của Thượng Ngàn thôi.
Một số tích lại cho rằng sau khi qua đời, vì nhớ con mà mẫu đầu thai trở lại làm con của Tản Viên Sơn Thánh - Câu chuyện này có vẻ không hợp lý, bởi vì:- Một là: Mẫu là Thần, là Mẹ của Đức Tản Viên Sơn Thánh thì có thể gặp con lúc nào cũng được, không cần phải đầu thai, hơn nữa ngài cũng là Thần, cũng sẽ được về trời như bà việc gặp không phải là khó.
- Hai là: Mẫu có ơn dưỡng dục Đức Tản Viên Sơn Thánh, không thể vì cái nhỏ nhoi mà lại đầu thai làm con của Nghĩa Tử mình.
Vì vậy, theo tác giả thì truyền thuyết về Mẫu đầu thai làm con của Đức Tản Viên Sơn Thánh là không hợp lý.
Phân tích 2: Với Điển tích 2 và Điền tích 1, ta có một số phân tích về La Bình công chúa như sau:
Mẫu Ma Thị Cao Sơn truyền thụ phép thuật cho Đức Tản Viên Sơn Thánh, sau đó Ngài lại truyền lại cho con gái là La Bình Công chúa.
Như vậy, Bà vừa là Nghĩa Mẫu vừa là Sư Mẫu của Đức Tản Viên Sơn Thánh, vậy La Bình Công chúa phải vừa gọi Bà là Nghĩa Tổ Mẫu, vừa gọi bà là Sư Tổ Mẫu
Vậy, Việc cháu hầu cận bà là chuyện bình thường, hơn nữa lại là Sư Tổ Mẫu của mình.
Vậy ta có thể kết luận:
- Cao Sơn Thần Nữ Diệu Tín Thiền Sư chính là Mẫu Ma Thị Cao Sơn - Nữ thần núi là một phần không thể tách rời của Thượng ngàn
- La Bình Công chúa chính là Cô đôi thượng Ngàn, cô đôi Sơn Trang hầu cận mẫu, được mẫu yêu quý.
Như vậy có thể khẳng định, Mẫu Thượng Ngàn và Mẫu Sơn trang không thể là một, đây là 2 nhân vật khác nhau được lịch sử ghi chép rõ ràng. Bởi vì hàng nghìn năm bị phương Bắc đô hộ với chính sách tàn độc là dung hòa tín ngưỡng, văn hóa, đốt phá những ghi chép, chứng tích của nhân dân nên sách sử còn lưu lại ít. Tuy nhiên, ta có thể nhìn nhận bằng các tín ngưỡng thờ phụng tại các địa phương vẫn còn lưu truyền và các truyền thuyết để xâu chuỗi lại ta vẫn có thể suy luận được lịch sử của các ngôi vị mình đang Thờ Phụng.
Vào thời cổ đại, Hùng Vương Trị vì nước Văn Lang là Người Lạc Việt hay còn gọi là người Việt Mường. Người Việt Mường đông đúc tả ngạn sông Đà và ở xen kẽ với người Tày cổ ở hai bờ sông Thao, sông Lô. Người ta còn thấy nhiều dấu tích của người Việt Mường như các miếu Mường ở Thanh Ba và các địa danh còn gọi là động. Sau đó, một bộ phận người Việt Cổ thuộc hai nhóm ngữ hệ Việt - Mường và Tày Thái thiên di chỉ về khai khẩn vùng Trung Châu, do tiếp biến văn hóa mà thành người Kinh xuất hiện sau khi An Dương Vương thống nhất.
Trong khi đó, Mẫu Cao Sơn Thần Nữ ở núi Tản Viên bên bờ Sông Đà vào thời kỳ Hùng Vương thứ 17 - 18, nên
Mẫu Cao Sơn Thần Nữ thuộc người Mường.
Trong tín ngưỡng thờ tứ phủ, Động Sơn trang khi phối thờ thì Mẫu Đệ Nhị Thánh Tổ Sơn Trang Cao Sơn Thần Nữ Diệu Tín Thiền Sư là người Ngồi chính động, bên cạnh đó là có Cô Đôi, các chầu sơn Trang (Linh Thông sẽ làm sáng tỏ thêm các Ngôi Vị ở bài viết sau). Cho nên, Một số tín đồ chỉ biết là Mẫu Đệ Nhị được thờ ở trong động Sơn Trang mà không hiểu đó là Mẫu Đệ Nhị trong Tam Tòa Sơn Trang dẫn đến nhiều người hiểu nhầm là Mẫu Thượng Ngàn. Đây là điều nhầm tưởng rất tai hại bởi vì: Trong một đền, điện, phủ không ai lại thờ 2 ban cùng 1 người, trong khi đó lại quên đi sự xuất hiện của người khác.
4. Phong tục tín ngưỡng thờ Sơn Trang
Mẫu là thần núi, cai quản Sơn Trang (miền núi) là một phần nhỏ của núi rừng Thượng Ngàn và xuất hiện sau Mẫu Thượng Ngàn, cho nên trong Tín ngưỡng thờ Sơn Trang (sơn trang nhất phái), Mẫu được xếp ngôi vị số 2 gọi là:
Đệ Nhị Thánh Tổ Sơn Trang Cao Sơn Thần Nữ Diệu Tín Thiền Sư. Với hiệu người Mường thì còn gọi là
Đệ Nhị chúa Mường Cao Sơn Thần Nữ Diệu Tín Thiền Sư. Với hiệu Thượng Ngàn thì còn gọi là
Đệ Nhị Thượng Ngàn Cao Sơn Thần Nữ Diệu Tín Thiền Sư.La Bình Công chúa được xếp vào
Cô Đôi thượng Ngàn trong tứ Phủ, thực chất có thể hiểu Cô là
Cô đôi Sơn Trang, người hầu cận Mẫu Đệ Nhị Thánh Tổ Sơn Trang.
Vì sự nhầm lẫn hoặc mập mờ khái niệm Sơn Trang là Thượng Ngàn nên đã hiểu nhầm rằng Cô Hầu Cận Mẫu Thượng Ngàn.